Nữ thủ khoa được phong tặng NSƯT khi chưa tốt nghiệp

[ad_1]

Việt An thi Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội ở tuổi 27 và được phong tặng danh hiệu NSƯT khi đang là sinh viên năm ba.

Tại lễ Tuyên dương thủ khoa xuất sắc ở Hà Nội hôm 18/11, Bùi Việt An khác hẳn các thủ khoa khác. 32 tuổi, đã có gia đình, Việt An lên sân khấu vinh danh cùng với em bé đang mang trong bụng. Chặng đường trở thành thủ khoa của An cũng rất khác với những người còn lại.

13 tuổi, Việt An từ Sơn La xuống Hà Nội học hệ trung cấp diễn viên múa của Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Tốt nghiệp xuất sắc, cô được đặc cách lên hệ cao đẳng. Ra trường năm 2007 cũng với tấm bằng xuất sắc, Việt An cộng tác với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Nhưng gia đình định hướng cô về quê xin việc vì lo nghề múa không ổn định và không muốn con gái một mình bươn chải ở Hà Nội.

Việt An nhận bằng khen trong lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc hôm 18/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việt An trong lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc hôm 18/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời điểm đó, cô phải lựa chọn giữa đam mê múa và mong muốn của gia đình. Biết chuyện, các thầy cô đã khuyên Việt An ở lại Hà Nội khi đang có cơ hội công việc, thậm chí còn giúp thuyết phục bố mẹ. Cuối cùng, Việt An nhận được sự đồng ý của gia đình với điều kiện trong vòng một năm nếu không xoay xở được thì phải về Sơn La.

Không được trợ cấp hàng tháng, Việt An phải tự lo liệu cuộc sống bằng đồng lương ít ỏi. Cô tham gia các nhóm múa, nhảy và biểu diễn để có thêm thu nhập, cốt trụ lại được ở Hà Nội.

“Tôi quyết tâm chứng minh cho người thân thấy con đường mình chọn là đúng đắn”, Việt An nhớ lại.

Một năm sau khi ra trường, Việt An tham gia cuộc thi tài năng múa toàn quốc và giành giải B. Những năm tiếp theo, cô gặt hái được nhiều huy chương vàng từ các cuộc thi cho Bộ Văn hóa tổ chức và các liên hoan múa quốc tế.

Năm 2015, Việt An gặp chấn thương tưởng chừng phải nghỉ múa. Cô bị thoát vị đĩa đệm cổ và lưng, từng suýt liệt. Những tháng ngày luyện tập nặng, miệt mài từ sáng đến 23h cho các vở diễn, hội thi khiến cơ thể cô không kịp nghỉ ngơi, phục hồi.

Việt An trong một vở diễn tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Việt An trong một vở diễn tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quyết định không mổ vì sợ di chứng, Việt An kiên trì tập vật lý trị liệu ròng rã suốt nửa năm. Vừa chữa bệnh, cô vừa luyện tập để biểu diễn nhưng không dám mạo hiểm với những động tác mạnh.

Nghề múa “tuổi thọ” ngắn nên Việt An xác định chuyển ngạch từ diễn viên sang huấn luyện và quyết định học lên đại học. Năm 2011, Việt An từng thi đỗ Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng đành lỡ hẹn để tập trung thi vào biên chế của Nhà hát. Ở tuổi 27 (năm 2016), Việt An thi lại đại học, trở thành sinh viên ngành Huấn luyện Múa, khoa Múa của trường.

Để thi vào trường, ngoài chuyên môn múa, Việt An còn phải ôn thêm môn Văn. Xa rời kiến thức phổ thông đã lâu, cô phải dành nhiều thời gian đọc và ôn thi. Trở thành sinh viên, Việt An bắt đầu những chuỗi ngày căng thẳng và bận rộn khi vừa phải đảm bảo tập luyện tiết mục ở nhà hát, vừa phải đến trường học mỗi ngày.

Cô tâm sự từng mất một năm đầu để bắt nhịp và cân bằng. Hàng sáng, Việt An đến trường từ 8h đến 11h, trưa quay về nhà hát tập cùng đồng nghiệp, sau đó trở lại lớp từ 13h30 đến 16h30. Nhiều hôm, cô không kịp ăn trưa.

“Tôi từng nghĩ tới bỏ học vì oải. Nhưng nhờ được thầy cô động viên, cơ quan tạo điều kiện, tôi đã vượt qua”, Việt An chia sẻ.

Sự khác biệt tuổi tác với bạn học cũng khiến Việt An gặp khó khăn. Các bạn còn trẻ, chưa thực sự tập trung, trong khi múa yêu cầu sự phối hợp tập thể. Do đã có kinh nghiệm nhiều năm biểu diễn, Việt An luôn đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn và hướng dẫn lại các bạn học.

Năm 2019, nhờ những thành tích xuất sắc trong nghề, Việt An được phong Nghệ sĩ Ưu tú khi mới 30 tuổi, đang là sinh viên năm thứ ba.

“Tôi vui và tự hào vì bao năm rèn luyện, cố gắng đã được đền đáp. Tuy nhiên, đứng cùng các bậc cô, chú, anh, chị, tôi cảm thấy những cống hiến của mình còn nhỏ bé và cần nỗ lực hơn nữa”, nữ nghệ sĩ nói.

Chứng kiến sự cố gắng và thành quả con đạt được, bố mẹ Việt An tự hào và yên tâm về con đường cô đã chọn. Ngoài công việc ở nhà hát, cô còn dạy múa tại các trung tâm để trang trải cuộc sống.

Kết thúc bốn năm đại học, Việt An có điểm rèn luyện xuất sắc và điểm học tập toàn khóa đạt 9,24. Niềm hạnh phúc của nữ thủ khoa càng thêm trọn vẹn khi cô đang chuẩn bị đón đứa con thứ hai chào đời.

“Không có con đường nào là bằng phẳng và khi đã vượt được qua những thử thách, nhiều lúc tôi tự hỏi không hiểu sao mình làm được”, NSƯT nói.

Cô Lê Thị Quỳnh Phương, giảng viên khoa Múa, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhận xét, Việt An thông minh, có tố chất nghệ thuật, siêng năng và ham học. Khi bắt đầu vào nghề, các diễn viên múa phải xác định sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và cần sự kiên trì, nỗ lực để vượt qua.

“Riêng Việt An, bạn ấy có lòng yêu nghề, sự quyết liệt để vượt lên mọi trở ngại. Tinh thần cố gắng, chăm chỉ có trong chính con người bạn ấy. Thành quả Việt An đạt được thật tuyệt vời và xứng đáng”, cô Quỳnh Phương chia sẻ.

Là cô giáo nhưng Quỳnh Phương cũng là người chị khóa trên của Việt An, chứng kiến chặng đường rèn luyện và phấn đấu của cô. Giảng viên khoa Múa cho hay những sinh viên vừa đi học, vừa đi làm như Việt An rất vất vả. Công việc ở nhà hát bận rộn, việc luyện tập khắc nghiệt, đòi hỏi thể lực, sự kiên trì và những ai theo được đến cùng đều phải có quyết tâm lớn.

“Nhiều hôm chứng kiến Việt An mệt mỏi trên sàn tập, hai cô trò nhìn nhau chảy nước mắt. Tôi chỉ biết động viên em ấy cố gắng, khó khăn là động lực để ta bật lên”, cô Quỳnh Phương kể.

Theo cô Quỳnh Phương, Việt An có nhiều năm học tập trong môi trường quân đội, được rèn luyện tính kỷ luật, tinh thần thép. Điều này giúp cô có ý trí và bản lĩnh đương đầu với khó khăn.

Nghệ sĩ múa Việt An trong ngày tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nghệ sĩ múa Việt An trong ngày tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

[ad_2]