[ad_1]
Hải từng đi dọc Việt Nam làm đủ nghề, thậm chí là hành khất, trước khi dừng chân tại Hà Giang để khởi nghiệp du lịch.
Giáp Văn Hải, sinh năm 1991, hiện làm du lịch tại Hà Giang. Anh được mọi người đặt cho biệt danh “Hải thổ địa”, “Hải ma xó”. Trước khi đến Hà Giang lập nghiệp, anh từng là một “cái bang”, rong ruổi khắp Việt Nam, vừa đi vừa làm việc. Hải đã phải trải qua một hành trình dài để tìm được cái duyên thực sự với mình.
Nhìn lại hành trình đi dọc đất nước của Hải, có thể nói anh là người “bị” xê dịch. Sinh ra trong một vùng quê nghèo ở Bắc Giang, anh là thế hệ đầu những người trẻ rời khỏi lũy tre làng, ra thành phố đi học. Bao đời làm nông vất vả mà vẫn không đủ ăn, bố mẹ Hải quan niệm đại học là con đường thành công và mong con mình đi học để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Tuy nhiên, biến cố ập tới gia đình anh, Hải phải tạm dừng khi học chưa đầy một năm và ra ngoài đi làm. Anh chật vật làm 2-3 việc cùng lúc để gửi tiền về nhà, vừa dành dụm để có tiền tiếp tục học. Song mọi thứ không hề dễ dàng, Hải từng nhiều lần có ý nghĩ muốn bỏ cuộc để về quê sớm.
Làm “cái bang” đi khắp đất nước
Tự thấy kinh nghiệm còn non, một mình thật khó để chiến đấu nơi thành phố xô bồ, về quê thì lại ngại, xấu hổ với gia đình, Hải quyết định một mình xe máy Nam tiến để vừa đi, vừa tìm chính mình khi mới 20 tuổi. Khởi hành từ Hà Nội, anh dừng lại tại Hà Nam, Ninh Bình… rồi nhanh chóng tới Quảng Bình. Đến Huế, anh bắt đầu cảm thấy yêu thích những chuyến đi, tập trung khám phá những thứ xung quanh và bắt đầu vừa đi vừa làm việc để có tiền di chuyển. “Ai thuê gì mình cũng làm, miễn có tiền đổ xăng là được”.
Đi dọc đất nước, anh từng làm phụ quán ăn ở Huế, chạy bàn cà phê ở Đà Nẵng, làm ngư dân trên đáo Lý Sơn, hái cà phê ở Đắk Lắk, chạy xe ôm ở Đà Lạt, bán dạo cà phê bệt ở TP HCM, làm nghề hóa trang ông già Noel… Thậm chí, anh từng phải hành khất xin ăn nhiều lần để có tiền. Có lần bị đói 3 ngày, Hải uống nước lọc trừ bữa, ngủ trong chợ Đà Lạt. Để cái bụng no, anh đi qua những quầy ăn trong chợ để chủ các quán mời ăn thử và rồi đi một vòng cũng đủ để ấm bụng.
Trên hành trình của mình, anh đã khám phá được nhiều điểm phượt mới mẻ. Anh là một trong những người đầu tiên khám phá hố sụt Mèo Vạc (Hà Giang), Sống lưng khủng long Bình Liêu (Quảng Ninh), những điểm trước đó chưa nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Cuộc chơi nào cũng đến lúc tàn. Sau một năm ròng xuyên Việt, Hải quay trở về Hà Nội để làm việc sau khi cho rằng mình đã tốt nghiệp “trường đời”. Nhờ các kỹ năng thu được từ nhiều ngành nghề, anh được có được một công việc trong ngành truyền thông, giải trí. Tuy nhiên, những ký ức, kỷ niệm về những cung đường luôn làm Hải trăn trở. “Trải nghiệm đi các nơi rồi mình mới thấy Việt Nam mình rất đẹp mỗi tội hơi ‘nghèo’. Nghèo ở đây là cách làm du lịch cũng như quảng bá hình ảnh đẹp đến khách quốc tế”, Hải cho biết.
Vậy là Hải quyết định tìm một nơi để làm du lịch, và đó là Hà Giang. Trong mắt Hải, đây là nơi đẹp nhất Việt Nam, có nhiều màu sắc mà anh khám phá mãi cũng không chán. Năm 2018, anh chuyển lên Hà Giang, khi nơi đây còn sơ khai về du lịch. “Mình muốn đóng góp một phần công sức cho vùng đất mà mình mến yêu”.
Trúng “bùa yêu” của Hà Giang
Ban đầu, Hải chỉ có ý định được sống, trải nghiệm và viết bài thật nhiều, hỗ trợ truyền thông về du lịch cho Hà Giang. Nhưng dần dà, anh càng cảm thấy mình như bị trúng “bùa yêu” của mảnh đất này, do thấy quá thân mật, gần gũi khi tiếp xúc với bà con và bản làng ở đây. “Bùa yêu” mà anh nhận được là “một chút rượu ngon, cảnh đẹp hữu tình, sự đồng cảm sâu sắc về văn hóa”. Lúc này, Hải mới nghĩ rằng viết blog, chụp ảnh thôi là chưa đủ mà phải làm điều gì đó thực tế hơn. Vậy là, anh quyết định làm du lịch 3 trong 1. Trong đó, khách du lịch phải thương, phải nhớ khi trở về, bà con Hà Giang gìn giữ được bản sắc, và bản thân anh phải cảm thấy thoải mái khi làm điều đó.
Xây dựng mô hình du lịch “qua thổ địa”, Hải dẫn khách đi cùng người bản địa, khám phá sâu các bản làng và trải nghiệm ăn, nằm cùng người dân. “Mình chú trọng hành trình và trải nghiệm hơn là du lịch kiểu check in. Mô hình du lịch qua thổ địa của mình giúp bà con phát triển du lịch bền vững. Sau này, mỗi một người địa phương ở đây đều có thể tự làm du lịch được. Mình tuyển chọn những bạn trẻ đồng bào Mông, Dao, Tày, La Chí… về tập huấn một số kỹ năng như chăm sóc khách, kể chuyện trên đường, giới thiệu văn hóa cảnh quan. Mình muốn mọi thứ phải phát triển thật tự nhiên, không làm thay đổi bản chất thật thà, gần gũi của con người nơi đây”.
Hoạt động chính thức từ đầu năm 2019, mô hình này của Hải đã được khách trải nghiệm và có nhiều truyền miệng tốt. Chị Thái Lê Ngọc Diệp, một khách của Hải từng đi vào 10/2019, chia sẻ: “Thực sự, mình không giờ nghĩ sẽ đi một tour xe máy trải nghiệm 4 ngày, vài trăm km ở lứa tuổi U50. Tuy nhiên, sau chuyến đi, mình biết sẽ là thiếu sót, là tiếc nuối nếu không trải nghiệm những điều đó. Thật sâu sắc khi được trực tiếp trải nghiệm và ăn uống, ngủ nghỉ cùng bà con nơi đây”. Bàn Văn Châm, sinh năm 1998, một người dân tộc được Hải huấn luyện kể chuyện trên đường chia sẻ: “Khi tham gia mô hình du lịch này, mình học được cách kể chuyện về văn hóa quê hương. Đặc biệt, sau mỗi chuyến đi, mình lại có thêm những người anh chị thân thiết từ mọi miền Tổ quốc. Trước kia, mình chỉ biết lên rừng, đi nương rẫy nhưng biết làm du lịch, thu nhập ổn định 5-7 triệu, giúp trang trải thêm cho gia đình và con nhỏ”.
“Chết đứng” khi vừa khởi nghiệp
Làm du lịch chưa bao lâu thì đại dịch ập đến, Hải nằm trong nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Khó khăn khiến anh phải suy nghĩ có hay không tiếp tục nuôi đam mê. “Đam mê một công việc có lẽ cũng giống như tình yêu. Nếu gặp trắc trở, khó khăn vì lý do nào đó mà buông bỏ thì liệu có phải là tình yêu? Nếu bạn yêu một người nhưng lại nói với họ rằng khi nào trời yên biển lặng thì mình sẽ lại yêu bạn sau nha thì liệu đó có phải là tình yêu?”, Hải băn khoăn. Thời điểm đó, nhiều bạn bè trong ngành du lịch giống Hải từ bỏ, rút giấy phép khỏi nghề, tìm một công việc khác. Hải quyết bám trụ và trong thời gian chưa thể làm gì với du lịch, anh đã tìm cách duy trì bằng việc quay các video khám phá và đăng tải trên YouTube để mọi người có thể cùng mình du lịch online.
Ngoài ra, anh cũng đi tìm và kết nối những đặc sản địa phương để giúp bà con bán hàng online, đưa những sản vật ngon, thật đến người tiêu dùng. Hải cũng thực hiện các hoạt động cộng đồng như hướng dẫn bà con cải thiện homestay, làm truyền thông trên các nền tảng mạng như Booking.com, Google Maps, Facebook….
Lời hứa với Hà Giang
Hải chia sẻ, anh tự đặt một lời hứa với Hà Giang là phải làm du lịch thật tốt để luôn cảm thấy có giá trị với mảnh đất này. “Mình sẽ đi nếu thấy bản thân không còn giá trị ở đây”, Hải nói. Nếu mô hình du lịch “thổ địa” này thành công hơn, anh dự định nhân rộng sang các tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn…
Theo anh, Hà Giang không chỉ đẹp ngoài cảnh vật mà còn đẹp ở những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc phi vật thể. Đối với du khách nước ngoài, họ yêu Hà Giang ở sự mộc mạc, nguyên sơ. Hải cho biết, để làm được điều này, cần vận động cũng như ủng hộ những mô hình du lịch cộng đồng vừa gìn giữ bản sắc văn hóa, vừa tạo thu nhập và tạo sự tự hào cho bà con địa phương. Đặc biệt, điều quan trọng cần làm là hạn chế sự bê tông hóa tại mảnh đất này.
Còn mỗi khi nghĩ về Hà Giang, Hải vẫn mê mẩn và dành cho nơi đây những mô tả rất thơ. “Mọi người biết đến nhiều về Hà Giang nhờ mùa hoa tam giác mạch., nhưng Hà Giang mùa nào cũng đẹp. Mỗi mùa một cảnh, một trải nghiệm thú vị. Nếu mùa xuân là sắc hồng nhẹ bung với hoa đào, hoa mận, mùa hè là mảng xanh non mỡ màng của ruộng ngô mọng bắp, mùa thu là lúa chín vàng ươm với rượu bậc thang từng nấc sóng thì mùa đông là không khí lạnh, là nơi ước hẹn của các bước chân ngao du, nhớ nhung mỗi khi rời đi để rồi lại tìm đường trở về”.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC
[ad_2]
Source link