60 năm James Bond tung hoành màn bạc

[ad_1]

Hình ảnh James Bond liên tục thay đổi trong nhiều thập niên qua diễn xuất của các tài tử Sean Connery, Pierce Brosnan, Daniel Craig…

No Time to Die – phần phim thứ 25 về James Bond – được giới phê bình đánh giá cao, đồng thời đạt thành công về thương mại. Các tờ The Guardian, The Times, The Telegraph đều hào phóng chấm điểm tối đa, đánh giá phim xúc động và gay cấn, xứng đáng với sự chờ đợi của khán giả. Sau khi ra mắt, tác phẩm thu về gần 670 triệu USD toàn cầu, đứng thứ năm trong danh sách phim có doanh thu cao nhất năm, khẳng định sức sống của điệp viên 007.

Cách êkíp 'James Bond 25' 'No Time To Die' quay cảnh hành động

Cách êkíp “James Bond 25” (No Time To Die) quay cảnh hành động. Video: Insider, Universal, Clideo

Từ nhân vật hư cấu do nhà văn Ian Fleming sáng tạo, James Bond bước lên màn ảnh rộng lần đầu qua tác phẩm Dr. No (1961), sau đó xuất hiện trong 25 phim do Eon Productions sản xuất. Mỗi lần điệp viên 007 trở lại đều được chờ đợi và đón nhận, tạo nhiều dấu ấn. Không chỉ là thương hiệu dài hơi nhất lịch sử điện ảnh, loạt phim còn được xem là kinh điển cho thể loại gián điệp, tình báo, là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm cùng dòng. Sáu thập niên trôi qua, nhiều series nổi tiếng như Mission: Impossible, Kingsman, Jason Bourne… lần lượt xuất hiện, nhưng chưa có cái tên nào đủ sức để thay thế vị trí James Bond.

Thành công của loạt phim xuất phát từ việc các nhà sản xuất nắm bắt được tâm lý của khán giả. Từ Dr. No đến No Time to Die, những đặc trưng làm nên thương hiệu vẫn được giữ nguyên. Nhắc đến James Bond là nhắc đến những bộ suit đậm chất quý ông, các mẫu xế hộp đời mới, loạt vũ khí, thiết bị công nghệ cao… Công thức làm phim gần như không thay đổi với đoạn danh đề (opening credit) bắt đầu, được thiết kế riêng cho mỗi phần. Màn hành động được đầu tư kinh phí cao, luôn tuân theo tiêu chí hạn chế phông xanh để đem lại cảm giác tự nhiên. Hình ảnh James Bond mặc vest, tay cầm súng lục, vây quanh là người đẹp, trở thành giấc mơ của cánh đàn ông. Nhân vật còn được lột tả như người hùng, sẵn sàng vượt qua mọi tình huống để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng biệt danh “điệp viên nguy hiểm nhất thế giới”.

Trong số sáu diễn viên từng đóng James Bond, Sean Connery được đánh giá là lựa chọn xuất sắc, thể hiện đúng tinh thần của Ian Fleming nhất. Bản thân tác giả từng hoài nghi về ngoại hình ngôi sao khi cho rằng ông không hợp vai, nhưng phải thay đổi quan điểm khi nhìn thấy Bond trên màn ảnh rộng. Qua hóa thân của Connery, Bond trở thành biểu tượng của sự lịch lãm, điển trai, ga lăng, hấp dẫn phái nữ và ngược lại, luôn mê các “bóng hồng”. Khi thực hiện nhiệm vụ, anh cũng tàn nhẫn, không ngần ngại sát hại đối thủ trong mọi hoàn cảnh.

Tạo hình James Bond của Sean Connery trong Diamonds Are Forever. Ảnh: PictureLux

Tạo hình James Bond của Sean Connery trong “Diamonds Are Forever”. Ảnh: PictureLux

Qua mỗi thập niên, hình tượng James Bond được đổi mới để phù hợp từng diễn viên đảm nhận, cập nhật hơi thở thời đại. Năm 1969, George Lazenby – người trẻ nhất từng đóng Bond ở tuổi 30 – mang đến cho vai diễn một chút lãng mạn. Song, diễn viên người Australia không vượt qua được cái bóng quá lớn của Sean Connery nên chỉ tham gia một phần phim duy nhất. Sức hút của Roger Moore lại đến từ sự hài hước. Ông biến Bond thành kẻ bất cần, không xem trọng bất cứ điều gì. Từ năm 1973 đến 1985, ngôi sao liên tiếp xuất hiện trong bảy phần, là người đóng Bond nhiều nhất. Năm 1987, Timothy Dalton tạo ra những thay đổi lớn như bỏ tật hút thuốc hay giảm thói trăng hoa của nhân vật. So với Moore, Bond của Dalton khô khan và ít hài hước hơn nên cũng không thành công bằng.

Bước sang thập niên 1990, các nhà sản xuất chọn Pierce Brosnan với mong muốn lấy lại danh tiếng cho loạt phim. Tài tử Ireland hồi sinh nhân vật bằng hình ảnh người hùng đa năng, sẵn sàng lăn xả trong mọi tình thế. Để tạo ra lối diễn riêng, Brosnan pha trộn vẻ lịch lãm của Sean Connery, sự lạnh lùng của Timothy Dalton và nét hài của Roger Moore, khiến Bond như được khoác chiếc áo mới. Màn chào sân của Pierce Brosnan trong Golden Eye (1995) được khán giả lẫn giới phê bình đón nhận nồng nhiệt, giúp anh tiếp tục trở lại trong ba phần tiếp theo.

So với những người tiền nhiệm, Daniel Craig phá vỡ hoàn toàn khuôn mẫu của Sean Connery, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới cho loạt phim. Không chỉ xây dựng hình ảnh người hùng cơ bắp, tài tử sinh năm 1968 mang đến cho nhân vật chiều sâu cảm xúc. Bond của thế kỷ 21 là người có tình, có nghĩa, luôn đặt nặng tình cảm cho những phụ nữ anh yêu, cũng như dành nhiều suy ngẫm về quá khứ. Craig còn đem lại nhiều thành công thương mại cho dòng phim. Trong 15 năm, tài tử chỉ đóng năm phần phim nhưng thu về hơn 3,5 tỷ USD, bằng phân nửa số doanh thu 7 tỷ USD của cả loạt phim, trong đó có Skyfall (2012) – bộ phim về Bond ăn khách nhất mọi thời với doanh thu hơn 1,1 tỷ USD.

Bond girl” – thuật ngữ ám chỉ những phụ nữ xuất hiện bên cạnh 007 – cũng là dấu ấn của thương hiệu. Giống Sean Connery, hình ảnh Ursula Andress với bộ bikini hai mảnh màu trắng trong Dr. No trở thành kinh điển, là khuôn mẫu cho nhiều diễn viên sau đó. Theo thời gian, “Bond girl” không còn đóng khung ở bất kỳ tiêu chí nào. Dương Tử Quỳnh ghi dấu là “Bond girl” châu Á nổi tiếng nhất, Halle Berry thổi làn gió mới bằng hình ảnh “đả nữ” da màu, trong khi Lea Seydoux lại hóa thân người phụ nữ chung tình với Bond nhất. Eva Green gây ấn tượng bởi lối diễn chân thực, lột tả nhân vật vừa bí ẩn vừa phức tạp trong Casino Royale (2006), được nhiều khán giả đánh giá là “Bond girl xuất sắc mọi thời”.

Cảnh Bond Girl diện bikini kinh điển trong Dr. No (Điệp viên 007)

Cảnh Bond Girl diện bikini kinh điển trong “Dr. No”. Video: Youtube James Bond 007

Bên cạnh diễn viên, kịch bản là điểm làm nên thành công của loạt phim. Các tác phẩm đầu gắn liền tên tuổi Sean Connery thường có cốt truyện đơn giản, tuyến phản diện chỉ xuất hiện ở cuối phim và không đóng vai trò quan trọng như những phần sau. Kể từ thời Roger Moore, nội dung phim bắt đầu phức tạp hơn, nhân vật phản diện được đầu tư để xứng tầm với trí thông minh của điệp viên 007. Thay đổi xuất phát từ việc các nhà sản xuất muốn thêm vào nhiều pha hành động để tăng tính giải trí, chiều lòng khán giả đương đại. Trước khi Daniel Craig xuất hiện, phim về Bond thường được xây dựng thành những tác phẩm riêng lẻ, có nội dung độc lập. Song, biên kịch loạt Skyfall (2012), Spectre (2015) và No Time To Die (2021) cố tình gắn kết các tình tiết với nhau để tạo kết nối, làm nên “vũ trụ điện ảnh” riêng biệt về James Bond.

Âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng không khí, tạo cảm xúc cho các cảnh quay. Nhiều ca khúc có đời sống riêng, tách biệt khỏi phim như Goldfinger của Shirley Bassey, You Know My Name của Chris Cornell, Die Another Day của Madonna, Writing’s on the Wall của Sam Smith… Trong đó, Skyfall của Adele thành công nhất về mặt thương mại lẫn nghệ thuật, thắng giải Oscar ở hạng mục “Nhạc phim xuất sắc”, bán được hơn 7,2 triệu bản toàn cầu.

Ca khúc 'Skyfall' - nhạc phim "Skyfall"

Ca khúc “Skyfall” (Adele) – nhạc phim “Skyfall”. Video: Youtube Adele

No Time To Die là phần dài nhất (163 phút), được đầu tư nhiều nhất (kinh phí xấp xỉ 300 triệu USD), cũng là lời tạm biệt của Daniel Craig dành cho vai diễn James Bond. Tác phẩm ra đời trong bối cảnh “ông lớn” Amazon đang thương lượng để mua lại MGM – hãng giữ bản quyền phim do Eon Productions sản xuất. Dù nhiều cái tên được đề cử, hiện chưa có gương mặt đủ tiêu chuẩn để thay thế Daniel Craig sau “nhiệm kỳ” 15 năm. Điều đó khiến cho tương lai của thương hiệu vẫn là ẩn số, nhưng cũng là lý do để khán giả tiếp tục chờ đợi James Bond trong lần trở lại tiếp theo.

Sơn Phước

[ad_2]