5 xu hướng công nghệ – xã hội dưới góc nhìn của Facebook

[ad_1]

Meta, công ty mẹ của Facebook, đánh giá xu hướng về AR, VR, thương mại xã hội và video sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Thực tế ảo và thực tế tăng cường

78% người tham gia khảo sát của Facebook trên toàn cầu cho biết AR là một trong những cách thú vị để tương tác với các thương hiệu. 74% tin rằng AR có thể thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến.

Tại Việt Nam, mức độ này còn lớn hơn với tỷ lệ lần lượt là 81% và 80%. Ngoài ra, 90% người tham gia sẵn sàng sử dụng các tính năng AR để khám phá thương hiệu.

Ảnh: XRToday

Ảnh: XRToday

Từ kết quả trên, công ty Meta cho rằng AR, VR hay sắp tới là metaverse sẽ tạo nên sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và công nghệ đứng đằng sau đó. Hãng cho biết đã bắt đầu nhận thấy sự thay đổi diễn ra, nên hành động đầu tiên là đổi tên công ty từ Facebook sang Meta để thể hiện tầm nhìn.

“Dù metaverse sẽ phát triển toàn diện hơn trong những năm tới, chúng ta vẫn có thể thấy các ứng dụng AR, VR đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, từ thử quần áo, giày dép trước khi mua đến làm việc từ xa trong không gian ảo”, đại diện Meta cho biết.

Thương mại xã hội

Thương mại xã hội (Social Commerce) được đánh giá sẽ là xu hướng của năm 2022. Thực tế, việc kinh doanh đang mang tính xã hội hơn khi mọi người khám phá sản phẩm thông qua News Feed của bạn bè, từ đó mong muốn họ có thể nhắn tin cho doanh nghiệp giống cách họ nhắn tin cho bạn bè của mình. “Việc một doanh nghiệp có khả năng giao tiếp và kết nối với khách hàng sẽ là chìa khóa quyết định sự tăng trưởng”, Meta nhận định.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, hơn một nửa giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Năm 2020, thương mại xã hội thu hút người dùng với số đơn đặt hàng tăng gấp đôi 2019, trong đó, 59% người tiêu dùng muốn trò chuyện với bên bán khi xem xét hoặc nghiên cứu thông tin về sản phẩm.

Ngày hội mua sắm

Những ngày hội mua sắm trực tuyến đang tạo nên sức hấp dẫn nhờ kết hợp giữa yếu tố mua bán và giải trí. Theo Sapna Nemani, Giám đốc Sản phẩm và Giải pháp tại Publicis Groupe khu vực châu Á – Thái Bình Dương, người dùng quan tâm đến những ngày này nhờ yếu tố về trải nghiệm, chất lượng sản phẩm và hậu mãi, chứ không chỉ vấn đề giảm giá.

Tại Việt Nam, theo Meta, 53% người dùng trải nghiệm mua sắm trực tuyến lần đầu tiên vào ngày hội mua sắm. 46% người tiêu dùng cho biết họ muốn mình là một phần của sự kiện mua sắm, ngoài việc tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất.

Nhà sáng tạo nội dung

Khi đại dịch hoành hành, nhiều người phải ở nhà trong thời gian dài. Số lượng nội dung được xem lúc ở nhà cũng tăng mạnh ở nhiều chủ đề và định dạng, từ hướng dẫn nấu ăn, bài tập thể dục, chương trình giải trí, cho đến tài chính, kinh doanh.

Meta cho biết nhà sáng tạo nội dung đang mang đến hình thức truyền thông mới mẻ và đa dạng. Bản thân họ cũng là thương hiệu cá nhân, tự tạo cho mình trở thành những kênh bán lẻ mạnh mẽ. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong 2022.

Tại Việt Nam, 85% số người mua sắm cho biết họ theo dõi những người có tầm ảnh hưởng, cao hơn 7% so với mức trung bình của châu Á – Thái Bình Dương. 67% người tiêu dùng Việt đồng ý rằng sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng có tác động đối với những gì họ mua.

Xem video

Theo eMarketer, số người xem video kỹ thuật số ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ vượt mốc 2 tỷ vào năm 2022, sớm hơn một năm so với dự kiến. Meta cũng theo xu hướng này bằng cách tạo tab video riêng, bổ sung tính năng xem video ngắn cho cả Facebook và Instagram. Nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam cho biết họ có ý định mua hàng sau khi xem video bán hàng.

Bảo Lâm

[ad_2]