5 cách giữ ấm cơ thể để tránh bệnh khi vào đông

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông việc giữ ấm cơ thể là vô cùng cần thiết. Dưới đây là  lời khuyên hữu ích không chỉ với những người đang mắc bệnh mà cả những người có sức khỏe bình thường để vượt qua mùa đông lạnh giá.

Mặc quần áo đủ ấm

Đây là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên không nên mặc quần áo dày, mà nên mặc quần áo mỏng, nhiều lớp, để gió lạnh không thể luồn vào cơ thể. Đối với trẻ em, mặc quần áo nhiều lớp còn có tác dụng để có thể cởi cho trẻ khi toát mồ hôi do chơi đùa, hoặc nằm ngủ. Mồ hôi của trẻ nếu không kịp lau có thể thấm ngược trở lại cơ thể gây các bệnh đường hô hấp.

Nguyên tắc đầu tiên để ngừa bệnh hô hấp là giữ ấm vùng mũi – cổ – ngực. Khi ở trong nhà cũng nên mặc áo chống rét, chọn loại áo cao cổ, choàng khăn. Nên trang bị dụng cụ sưởi hoặc lò sưởi làm ấm không khí và đóng cửa để tránh gió lùa vào nhà. Khi ra đường phải mang khẩu trang để tránh hít phải khí lạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến tai, mũi, họng và đường hô hấp. Đặc biệt lưu ý không được mặc phong phanh khi trời lạnh bởi điều này có thể khiến bạn dễ viêm phổi và đột quỵ.

5-cach-giu-am-co-the-de-tranh-benh-khi-vao-dong-1Mặc ấm là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất để giữ ấm cơ thể.

Ăn đủ chất

Ăn đủ các chất đường, protein, đặc biệt là mỡ giúp cho cơ thể có cơ chất để sinh năng lượng chống rét. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Chia thành nhiều bữa nhỏ. Buổi sáng và trưa nên ăn thức ăn giàu calori và bữa tối ăn nhẹ nhàng hơn kèm theo chút hoa quả. Tránh ăn quá no, uống quá nhiều vào bữa tối vì có thể gây mất ngủ do đầy bụng trướng hơi và đi tiểu nhiều.

Bên cạnh đó, cần dùng những thức ăn nóng ấm, rắc thêm ít tiêu sẽ giúp làm ấm vùng phổi. Tăng cường các loại trái cây có tác dụng giữ ấm phổi, tốt cho hệ hô hấp như nhãn, xoài, ổi… Uống trà vào mỗi buổi sáng cũng là thói quen tốt giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hơn.

Ngâm chân bằng nước ấm

Mùa đông, thời tiết lạnh khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm… Một trong những bộ phận trên cơ thể nhạy cảm với lạnh chính là bàn chân. Vì thế, ngoài việc giữ ấm cơ thể cần phải đặc biệt chú ý chăm sóc và giữ ấm đôi bàn chân. Giữ cho đôi chân khỏe mạnh chính là cách để bảo vệ sức khỏe trong mùa đông. Mỗi tối trước khi đi ngủ, nên ngâm chân vào chậu nước ấm cho chút muối ăn khoảng 10-15 phút. Nếu có điều kiện có thể dùng nước ấm pha chút tinh dầu bạc hà, hoắc hương hoặc nấu nước lá chanh, lá bạch đàn,… Ngâm chân bằng nước ấm sẽ giúp “sưởi ấm” cho cả chân và cơ thể, giúp có giấc ngủ ngon.

Chú ý, khi đi ra ngoài lạnh về, không nên hơ ngay bàn chân gần bếp lửa, lò sưởi dù là sưởi điện, không dùng túi chườm nóng, kể cả chăn sưởi ấm quá nóng. Dùng bít tất ngắn có chất liệu sợi bông, len. Nên đi giầy đế dày và có tấm lót. Nên thường xuyên thay tất, giữ vệ sinh cho đôi chân.

Không tắm lâu và hạn chế tập thể dục sáng sớm hoặc tối muộn

Tắm quá lâu, tắm nước lạnh khi nhiệt độ ngoài trời hạ thấp vô cùng nguy hiểm, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì thế, cần tăng nhiệt độ nước tắm, tắm trong phòng kín gió và tuyệt đối không tắm quá lâu. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, nên hạn chế tắm nhiều, chỉ cần vệ sinh bằng khăn ẩm và tắm 2 ngày 1 lần là đủ.

Không nên ngồi ì một chỗ vì thời tiết lạnh mà nên thường xuyên vận động. Buổi sáng và buổi tối, có thể tập thể dục, đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày. Đi bộ cũng là cách tốt nhất để cải thiện lưu thông máu cho bàn chân. Việc đặt áp lực lên đôi chân khi đi bộ đã là một động tác để dồn lưu lượng máu trong các tĩnh mạch lên đôi chân. Trong khi ngồi làm việc hoặc xem tivi, có thể gập các ngón chân lại và duỗi các ngón chân ra. Cứ lặp lại động tác này khi có thể hoặc làm ít nhất 10 phút mỗi ngày sẽ giúp chân khỏe mạnh và giảm đau. Tuy nhiên đặc biệt lưu ý, nhiệt độ ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn thường rất lạnh và có những cơn gió mạnh, gió độc. Ra ngoài trong khoảng thời gian này sẽ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, dễ dẫn tới cảm lạnh, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, có thể gây méo miệng. Thậm chí, một số người có sức đề kháng quá yếu, trẻ em hoặc người lớn tuổi ra khỏi nhà trong điều kiện nhiệt độ như vậy tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, thời gian tập thể dục buổi sáng sẽ muộn hơn và buổi chiều phải sớm hơn các mùa trong năm.

Tránh xa rượu, bia

Nhiều người cho rằng thời tiết lạnh, uống rượu sẽ làm ấm người. Tuy nhiên uống quá nhiều rượu lại gây ra những tác hại khôn lường với sức khỏe. Uống rượu, nhất là uống say trong thời tiết lạnh rất nguy hiểm dễ bị đột quỵ. Nhiều trường hợp đã tử vong do uống rượu. Khi uống rượu, các mạch máu giãn ra, khi gặp trời lạnh, mạch đột ngột co lại, huyết áp dễ tăng lên gây tai biến và dẫn đến tử vong. Cách tốt nhất là không uống rượu, nếu phải uống và uống quá say không nên ra ngoài trời lạnh ngay.

Theo Suckhoedoisong.vn

Nguồn