VPBank mở rộng hệ sinh thái số

Bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, tính đến cuối quý 2, số khách hàng giao dịch qua kênh trực tuyến và số lượng giao dịch tại VPBank đều cao gấp đôi cùng kỳ năm 2018. Hiện tại, tỷ lệ khách hàng giao dịch tại quầy của VPBank chỉ chiếm 3,1%, khách hàng giao dịch trực tuyến gần 97%.

Nửa đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt gần 6.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp tác động từ dịch bệnh. “Chúng tôi đã được hưởng thành quả nhờ thời gian qua đầu tư lớn cho số hóa, tự động hóa”, bà Thảo khẳng định.

Lãnh đạo VPBank cho hay, hiện hầu hết tác vụ tại VPBank có thể triển khai hoàn toàn tự động, không cần sự tham gia của con người. Các ứng dụng như Internet banking, VPBank Online đã có thể đáp ứng gần như toàn bộ các nhu cầu của khách hàng từ chuyển tiền, vay tiền và mua sắm, từ tạo khoản vay, phê duyệt hồ sơ, giải ngân…

VPBank cho biết đang hợp tác với nhiều đối tác thương mại điện tử, đối tác cung cấp dịch vụ khác, fintech… để tạo ra hệ sinh thái số đa dạng, giúp kết nối khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Khách hàng giao dịch qua ứng dụng số của VPBank.

Khách hàng giao dịch qua ứng dụng số của VPBank.

Bên cạnh đẩy mạnh hợp tác với nhiều đối tác xây hệ sinh thái số, VPBank đầu tư mạnh trong số hóa dịch vụ ngân hàng, không chỉ trên bề mặt, mà còn về chiều sâu xử lý dịch vụ. Mới đây, VPBank trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên tuân thủ đầy đủ nhất các quy định về eKYC – nhận diện khách hàng trực tuyến. Công nghệ này giúp khách hàng có thể mở tài khoản từ xa, vào bất kỳ thời điểm nào, chỉ trong vòng vài phút. Ngay sau khi mở tài khoản, người dùng có thể thực hiện các giao dịch với tổng hạn mức tới 300 triệu đồng.

Việc chuyển đổi số không chỉ thực hiện ở ngân hàng mẹ mà cả công ty con FE Credit. Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc của FE Credit cho hay, 6 tháng đầu năm, công ty đã cắt giảm mạnh nhân sự nhưng vẫn duy trì hiệu quả hoạt động nhờ đầu tư vào số hóa, tự động hóa, áp dụng eKYC, chữ ký số… từ nhiều năm trước. Nhiều công đoạn trong quá trình thẩm định, phê duyệt, thu hồi nợ… tại doanh nghiệp thực hiện nhờ công nghệ, không cần sự tham gia trực tiếp của con người.

“Trong vòng một năm tới, khách hàng sẽ chứng kiến một hệ sinh thái mới với rất nhiều tiện ích của FE Credit, phục vụ khép kín toàn bộ nhu cầu của khách hàng. Hiện chúng tôi bắt tay với nhiều đối tác và cả các Fintech để tối ưu hóa ứng dụng và hệ sinh thái số mới của công ty, qua đó sẽ làm tăng tỷ trọng của FE Credit trong tổng ví chi tiêu của khách hàng”, ông Kalidas kỳ vọng.

Trước đó, đầu tháng 8, ngân hàng số Timo và VPBank thông báo “chia tay” sau 5 năm hợp tác. Theo đó, hợp đồng giữa Timo và ngân hàng này sẽ hết hạn và đầu tháng 9. Timo công bố đối tác mới là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho hay, trong chiến lược xây dựng ngân hàng số của VPBank, Timo là một trong những đối tác chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, song song hợp tác với Timo, VPBank cũng đã tự xây dựng nền tảng ngân hàng số riêng và phát huy hiệu quả, nên việc ngừng hợp tác với Timo không ảnh hưởng nhiều đến nhà băng này.

“Không chỉ đầu tư phát triển số hóa ngân hàng mẹ, nửa cuối năm nay, VPBank cũng sẽ làm việc với FE Credit để mở rộng và xây dựng nền tảng số mới riêng dành cho 6 triệu khách hàng của công ty. Số hoá, xây dựng những nền tảng giao dịch trực tuyến hiệu quả, số hóa vẫn là trọng tâm phát triển của VPBank trong giai đoạn tiếp theo”, ông Vinh khẳng định.

Phong Vân

Nguồn