Trung Quốc thí điểm kiểm tra các giao dịch lớn tại ngân hàng

Động thái diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại ngày cang tăng về bong bong nợ xấu của hệ thống ngân hàng sau đại dịch.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã khởi động một chương trình thí điểm ở tỉnh Hà Bắc, yêu cầu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp khai báo trước các khoản rút hoặc gửi tiền có giá trị lớn. Chương trình sẽ được mở rộng đến Chiết Giang và Thâm Quyến vào tháng 10.

Cụ thể, doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng sẽ phải cung cấp thông tin về nguồn tiền gửi hoặc mục đích rút tiền cho các giao dịch trên 500.000 nhân dân tệ (71.000 USD). Các cá nhân giao dịch với số tiền từ 100.000 nhân dân tệ đến 300.000 nhân dân tệ tùy theo khu vực, cũng phải khai báo tương tự. Thông tin phải được cung cấp về ngân hàng trước một ngày để xem xét phê duyệt.

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giao dịch tiền mặt tại một ngân hàng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

PBOC cho biết, chính sách này nhằm thắt chặt giám sát các “nhu cầu tiền mặt bất hợp lý, giúp đảm bảo rủi ro hệ thống trong tầm kiểm soát”. Cơ quan này nói vẫn đảm bảo nhu cầu bình thường của công chúng với các giao dịch lớn.

Chương trình không nói rằng các ngân hàng sẽ từ chối những giao dịch vượt quá số tiền quy định. Nhưng nhà băng sẽ cần gửi báo cáo, đánh dấu rủi ro và theo dõi khách hàng đến từ các ngành có rủi ro cao hoặc những người có giao dịch bất thường so với hành vi trong quá khứ.

Tháng 11/2019, Ngân hàng Cam Túc đã một phen khốn đốn khi bị Ngân hàng Ven biển Dinh Khẩu ở Liêu Ninh yêu cầu rút một lượng lớn tiền mặt tại quầy. Tháng trước, hai ngân hàng nhỏ ở Hà Bắc và Sơn Tây cũng khủng hoảng khi nhiều khách hàng ồ ạt đến rút tiền tiết kiệm do lo ngại sức khỏe của các nhà băng này. Sự việc buộc chính quyền và cảnh sát địa phương phải can thiệp.

Trung Quốc cũng đang tìm cách củng cố hệ thống ngân hàng trị giá 41.000 tỷ USD, khi nợ xấu có thể tăng thêm 8.000 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, theo S&P Global. Các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc được theo dõi bởi UBS Group AG cần khoảng 349 tỷ USD vốn mới.

Nhiều ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề bao gồm những khoản nợ xấu tăng, không đủ vốn và quản trị kém. Năm ngoái, chính phủ trung ương đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Baoshang tại Nội Mông, vì không thể duy trì hoạt động và cần được tái cấu trúc. Chính phủ cũng đã buộc phải bảo lãnh cho Ngân hàng Jinzhou và Ngân hàng Hengfeng.

Phiên An (theo Bloomberg, SCMP)

Nguồn