Tổng giám đốc Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức: “Dữ liệu là môn thể thao đồng đội”

Bài toán tất yếu của doanh nghiệp

Trong 4 điển hình thành công trên thế giới: Amazon, Facebook, Google, Spotify ông Đức đã chỉ ra các điểm chung của 4 doanh nghiệp này không chỉ đến từ khả năng thu hút hàng triệu người dùng, mà còn từ việc khai thác dữ liệu để liên tục tạo ra những trải nghiệm “trúng đích” hơn cho khách hàng. Chẳng hạn, dựa trên lịch sử nghe nhạc, AI (Trí thông minh nhân tạo) của Spotify có thể gợi ý những bài hát phù hợp hơn để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng.

Với lợi thế hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, các công ty công nghệ đang dẫn đầu cuộc đua khai thác Big Data để phát triển thần tốc trong thời gian ngắn. Appfolio, Paylocity Holdings, Netflix, Etsy và Amazon – 5 trong top 10 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất thế giới do tạp chí Fortune công bố tháng 10-2020 – đều hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số và khai thác Big Data để tạo ra doanh thu. Covid-19 cũng là dịp để ngay cả những doanh nghiệp truyền thống kinh doanh những mặt hàng đặc biệt nhất vẫn có thể tạo ra doanh thu mới từ việc tối ưu hóa dữ liệu và đổi mới cách thức kinh doanh.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội do Covid-19, Galeries Lafayette – một trong những chuỗi trung tâm mua sắm hàng xa xỉ lớn nhất của Pháp – buộc phải đóng cửa và đứng trước lựa chọn “thay đổi hay chờ chết”. Galeries Lafayette ngay lập tức số hóa, đưa sản phẩm của 36 thương hiệu xa xỉ lên nền tảng website. Nhưng nếu chỉ số hóa nền tảng bán hàng thì không đủ vì hàng hóa xa xỉ rất khác biệt với hàng hóa phổ thông; khách hàng không chỉ mua hàng mà còn đòi hỏi rất cao về trải nghiệm theo thời gian thực và chất lượng dịch vụ xứng tầm đẳng cấp. Nắm bắt được tâm lý này, Galeries Lafayette kết hợp với công ty Go Instore kết nối trực tiếp khách hàng với những người tư vấn, giúp họ so sánh, phân tích và chọn ra sản phẩm ưng ý nhất. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, trong khi nhiều doanh nghiệp phá sản vì Covid-19, Galeries Lafayette lại “lội ngược dòng” đạt được những kết quả ấn tượng: mức chi tiêu tăng 36%, gấp 8 lần một website thông thường, đặc biệt nhận được 94% phản hồi tích cực từ khách hàng.

http://doanhnhanonline.com.vn/

Ông Phùng Tuấn Đức chia sẻ tại hội thảo “Big Data: Từ dữ liệu đến doanh thu” (nguồn: Startup Việt 2020)

Đừng để khai thác dữ liệu là môn thể thao “đơn độc”

Với lợi thế dân số trẻ và tỉ lệ sử dụng Internet tăng cao, Việt Nam được xem như “ngồi trên mỏ vàng” với lượng Big Data cực lớn. Ông Đức cho hay, tình trạng thường thấy tại nhiều doanh nghiệp Việt là nhóm phân tích dữ liệu chỉ hoạt động độc lập và hỗ trợ các phòng ban khác khi có việc cần. Sự thiếu kết nối này dẫn đến câu chuyện bản thân nhóm phân tích dữ liệu không biết doanh nghiệp mình đang gặp phải những vấn đề gì để chủ động đưa số liệu phù hợp. Ngược lại, các phòng ban khác cũng dè dặt không biết có thể lấy những số liệu nào từ nhóm dữ liệu.

Lấy ví dụ thực tế tại chính doanh nghiệp mình để minh họa cho giải pháp trước vấn đề này, ông Đức tiết lộ tại Gojek, một biệt đội phản ứng nhanh (SWAT) được thành lập với thành viên từ tất cả các bộ phận Marketing, Vận hành, Dữ liệu v.v. để tập trung giải quyết các vấn đề kinh doanh. Với cách thức này, những thành viên trong nhóm phản ứng nhanh sẽ hiểu rõ vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt; các thành viên từ các phòng ban khác cũng biết rõ cần sử dụng dữ liệu gì để phân tích và giải quyết bài toán ban đầu. Để làm được điều này, ông Đức nhấn mạnh các thành viên trong công ty phải hiểu và có thể giao tiếp với nhau bằng “ngôn ngữ dữ liệu”. Đây chính là lý do Gojek mở ra trung tâm đào tạo Gojek Business Intelligence University để cải thiện kỹ năng sử dụng dữ liệu, tạo mặt bằng tương đối đồng đều giữa các thành viên.

Ông Đức cho biết thêm dữ liệu được xử lý tốt thôi chưa đủ nếu quy trình làm việc trong doanh nghiệp chồng chéo, gây lãng phí thời gian và công sức. Trước bài toán này, Gojek đề ra quy trình “Đồng thời” thay vì “Song song”, tập trung vào tính hiệu quả và sự linh hoạt. Lấy ví dụ, cùng một vấn đề, nếu giải quyết theo quy trình song song (parallel), người A và người B sẽ cùng giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Còn nếu áp dụng quy trình “đồng thời” (concurrent) như tại Gojek thì người A, người B sẽ phụ trách phần việc khác nhau để cùng giải quyết vấn đề. Từ việc phân bổ công việc hợp lý, tránh để các thành viên “giẫm chân” lên công việc của nhau, Gojek có thể đẩy nhanh tốc độ xử lý dữ liệu và tăng cường tính hiệu quả trong doanh nghiệp.

Để dữ liệu thực sự đóng vai trò xuyên suốt trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, ông Đức chia sẻ nguyên tắc tiên quyết tại Gojek là mọi cuộc tranh luận, trao đổi đều phải được minh hoạ bằng dữ liệu. Điều này giúp đảm bảo mọi quyết định trong kinh doanh được đưa ra từ sự thấu hiểu người dùng (Customer Insight) dựa trên cơ sở dữ liệu chứ không phải từ tư duy chủ quan của bất cứ nhà lãnh đạo nào. “It’s Data or Nothing” – Dữ liệu hoặc không gì cả. Đây là một trong những phương châm hoạt động mà Gojek duy trì bền bỉ từ năm thành lập 2010 đến bây giờ.” Ông Đức kết luận.

http://doanhnhanonline.com.vn/

Nguồn