Thủ tướng: Có thể nới trần nợ công 2020 thêm 2-3% GDP

Chính phủ sẽ xem xét, đề nghị Quốc hội nới trần nợ công năm 2020 thêm 2-3%, lên 59%GDP, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 2/7, Thủ tướng khẳng định không để dịch bệnh quay lại và phải coi khôi phục kinh tế sau Covid-19 là vấn đề cấp bách. Ông yêu cầu các chính sách điều hành tiền tệ, tài khoá phải chủ động, linh hoạt hơn để kích thích tổng cầu, thu hút đầu tư và kiểm soát lạm phát.

Theo Thủ tướng, tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%, nợ công có thể nâng lên 2-3% nữa để chính sách tài khoá “rõ nét hơn”.

“Từ mức nợ công 64,8% GDP trước đây, chúng ta đã giảm còn 57%, nay nếu tăng thêm 2% là 59% GDP, thì quản lý nợ công chưa phải vấn đề lúc khó khăn này”, Thủ tướng nói.

Ông cho biết, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính, đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế để có nguồn kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết, từ mức 57-58% hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 2/7. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương, ngày 2/7. Ảnh: VGP

Trước đó, báo cáo tại kỳ họp thứ 9 hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, dự báo thu ngân sách 2020 sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định. Bộ này dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, bội ngân sách sách khoảng 4,73% GDP, và nợ công khoảng 55,5%GDP.

Nếu tăng trưởng GDP 3,6% năm nay, nợ công khoảng 56,4% GDP. Với 2 kịch bản đưa ra, nợ công vẫn dưới 65% GDP.

Xem xét bơm thêm tiền cho các gói hỗ trợ Covid-19

Về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nói “không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển”.

Ông yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ động xây dựng phương án cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng khó khăn vì Covid-19 theo quy định. Nguồn tiền cho các gói hỗ trợ sau dịch có thể từ nguồn vay các tổ chức quốc tế, kể cả từ nguồn dự trữ ngoại hối nếu cần thiết.

“Hệ thống tài chính quốc gia từ trung ương đến địa phương bơm thêm tiền cho an sinh xã hội, không để ai quá khổ, quá khó khăn trong lúc đại dịch gây ảnh hưởng”, ông nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng chỉ cần giữ ổn định kinh tế xã hội, Thủ tướng đặt vấn đề, nếu tăng trưởng kinh tế không đạt một mức nhất định, thất nghiệp gia tăng, nghèo đói và tệ nạn xã hội xuất hiện sẽ không thể giữ được ổn định vĩ mô không? “Vì vậy, chúng ta cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các công cụ tài chính, chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng”, ông nhấn mạnh.

Liên quan tới tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tới 29/6, tín dụng đã tăng trở lại, ở mức 1,28% so với tháng 5. Trong khi đó, tháng 4 và 5 đã giảm rất sâu so với cùng kỳ, lần lượt chỉ tăng 0,12% và 0,53%.

Ông Hưng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh, nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, ngân hàng thương mại cổ phần để kích thích tăng tín dụng. “Nhà băng nào có khả năng tăng trưởng lành mạnh sẽ được nới room cao hơn nhu cầu”, ông nói.

Ngoài ra, cơ quan này sẽ sửa, nới quy định cơ cấu lại nợ, giãn nợ tại Thông tư 01, theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2020. Trong số này, các khoản vay mới sau thời điểm công bố dịch cũng được xem xét gia hạn tới cuối năm nay.

Anh Minh

Nguồn