Tây Sơn, một miền… cá nướng ăn với rau rừng ngon nhức nhối | Đời sống

Thời bao cấp, ai đi học xa nhà đều đói đến… không buồn nói. Chủ nhật, bạn cùng khóa rủ “đứa nào đi Tây thì theo tao” (“Tây” là cách ví von về quê nhà Tây Sơn của bạn).

Bữa cơm khách toàn cá mương nướng. Khỏi phải nói dạ dày chúng tôi “thăng hoa” như thế nào. Thằng bạn nhìn tôi cười tủm tỉm: “Chú mày ốm nhách. Ốm gì thì ốm, chứ ốm đến cóp má thì không thể chấp nhận được. Cá mương nè, ăn mạnh vào. Cá mương là… cương má. Má phồng ra, hết cóp, đẹp trai”. Bữa cơm lạ nhà nhưng thật vui.

Có lẽ không riêng gì Tây Sơn mới có cá mương. Dường như khắp cả nước, chỗ nào có sông là chỗ đó có loài cá này. Nhưng với tôi, cá mương Tây Sơn ấn tượng ở chỗ ngoài cái ngon “nội tại” còn có cái ngon bởi một yếu tố… ngoài cá.

Chẳng là nơi đây có thằng bạn hiền lành, chân tình. Ba của nó thì xởi lởi, vui tính. Tôi “phát hiện” ra rằng một món để gọi là ngon cần có yếu tố “ăn với ai” nữa. Có những món ngon nhưng người ăn với mình không… “ngon” nên món đấy cũng kém ngon.

Một tấm lưới mảnh như tơ giăng cách bờ sông khoảng chục mét. Cả bọn bơi lội, khua khoắng đánh động cá một hồi thì kéo lưới. Cá mương thon dài như ngón tay người lớn, vẩy li ti long lanh ánh bạc làm chậm lại màu chiều đang nhợt nhạt trên sông. Cá đi theo đàn nên bữa đó chúng tôi trúng một mẻ khá đậm, khoảng 2 kg.

Quê nhà của cá là sông sao gọi là “cá mương”? Một “chuyên gia” đánh cá sông giải thích rằng mùa mưa, nước sông dâng lên, cá bơi lạc vào những con mương ngang dọc trên đồng, sinh con đẻ cháu, đông như kiến cỏ.

Nông dân đi thăm ruộng chặn bắt rồi gọi là cá mương cho tiện. Thì ra tên cá được đặt từ quê hương thứ hai của chúng – những con mương. Cá không buồn “cãi” vì tên “mương” cũng đẹp mà! Không đẹp sao đi vào ca dao ngọt như nước mía: Cá mương ăn với rau rừng/Sao mà ngon quá ngon chừng hỡi em!

Rau rừng là ngành ngạnh, lộc vừng, đọt me, lá giang, chua lẻ mọc ven các cánh rừng dọc bờ sông. Nơi không có rau rừng thì rau vườn với xà lách, dưa leo, húng lủi, ngò tàu… cũng ngon không kém.

Thả một nhúm rau lên miếng bánh tráng dai và mỏng, đặt hai “em” cá mương nướng ngược chiều nhau rồi cuốn lại. “Ngược chiều” là để ăn đầu nào cũng thưởng thức được hương vị “đắng ngọt” rất riêng từ bụng cá.

Nước chấm là mắm nguyên chất dầm ớt kim cay thấu… trời xanh. Thịt cá mương thơm mùi đồng rạ sông suối nguyên lành. Chén nước mắm được tinh lọc từ cá biển ngon đến rát môi. Cặp “phạm trù” này khiến cá mương đã ngon giờ ngon thêm lần nữa.

Những làng quê dọc vùng sông nước Tây Sơn hay có những cụm “lữ quán” chuyên phục vụ khách món cá mương nướng. Trời càng về chiều, những bếp than san sát bên nhau càng đượm. Không biết mùi thơm cá mương nướng nương theo khói hay theo gió mà bay đi xa lắm. Bạn bè Tây Sơn hay đùa rằng, chiều chiều nhớ bạn, chẳng cần a lô chi cho tốn tiền, cứ xách xe chạy “ngược chiều hương cá” thì sẽ gặp thôi.

Vậy đó. Chiều Tây Sơn kiếm chút… cô đơn cũng khó. Ánh lửa hồng bềnh bồng hương cá mương cứ nháy nhó, kêu hú, đánh tiếng, gọi mời, lôi cuốn. Bạn kể, tầm chiều chiều hay có tin nhắn rủ rê. Dắt xe ra, vợ vừa càm ràm vừa khuyến khích: “Cá mương chứ gì? Đi hoài! Về nhớ mua vài lạng cho con nó ăn khuya”.

Sao phải đợi rủ rê? Suốt 9 tháng học, tôi chỉ đi về trên cái trục Quy Nhơn – Tây Sơn. Tôi nhiều lần tự… rủ rê mình giong xe về “miền cá nướng”. Chẳng cần phải dáo dác nhìn quanh vì lần nào cũng “chộ” chiến hữu từ cái bàn đầu tiên của quán. Bên bạn bè tếu táo, hớp vài ngụm rượu Bàu Đá, nhẩn nha thưởng thức cá mương nướng ngon “thần sầu”, thấy Tây Sơn chiều cứ ngọt gì đâu!



Nguồn