Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

51.000 tác phẩm nằm trong quần thể hang động Vân Cương (Yungang). Đây là một trong 3 quần thể hang nổi tiếng nhất Trung Quốc, nằm cách thành phố Đại Đồng, Sơn Tây khoảng 16 km.

Kéo dài một km theo sườn núi từ đông sang tây, Vân Cương bao gồm 252 hang động, hốc đá. Khu vực chạm khắc rộng tổng cộng 18 km2. Ảnh: Meiqianbao/Shutterstock.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Với sự ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, vào thời Bắc Ngụy (386-534), di tích đền thờ Vân Cương bắt đầu được xây dựng. Người đầu tiên khởi tạo là nhà sư Tan Yao và các Phật tử. Công trình và các tác phẩm được hoàn thiện sau đó khoảng 60 năm. Hang động Vân Cương đại diện cho thành tựu cao nhất trong nghệ thuật Phật giáo nước này trong thế kỷ 5, 6. Đồng thời, công trình cũng tác động sâu rộng đến nghệ thuật hang động Phật giáo Đông Á. Ảnh: Meiqianbao/Shutterstock.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Trải qua hàng nghìn năm, các tác phẩm ở đây đã chịu không ít tác động từ thiên tai, phá hoại. Trong ghi chép lịch sử, vào những năm 1049 – 1060 dưới triều nhà Liêu, quần thể hang động đã được tu tạo sau khi bị xói mòn. Sau trận hỏa hoạn năm 1621, triều nhà Thanh cũng xây dựng lại nhiều phần của các tác phẩm điêu khắc. Đến năm 2001, hang động được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Ảnh: Takashi Images/Shutterstock.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Hiện tại, có 45 hang động chính được mở cửa cho du khách. Tất cả được đánh số từ đông sang tây. Phần đông (số 1 – 4) và phần trung tâm (5 – 20) là nơi có các hang động đẹp và nguyên sơ nhất. Ở khu vực phía tây chủ yếu là hang nhỏ và hốc. Trong tổng số có tới 33 hang kể về câu chuyện cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni, từ khi ra đời đến khi ngài trở thành Đức Phật.

Trên ảnh là bức tượng Đức Phật ngồi với khuôn mặt mạ vàng, cao 17 m trong hang 5. Đây là bức tượng lớn và đẹp nhất trong quần thể. Phần trần vòm được sơn nhiều màu sắc. Hiện bức tượng trong động có nhiều vết trầy xước, bong tróc. Ảnh: Zhang Zingjian.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Hang số 6 được trang trí phong phú và là một trong những khu vực ngoạn mục nhất trong quần thể. Bên trong hang được chạm khắc và sơn. Một cột bảo tháp ở trung tâm hang kéo dài từ sàn tới trần. Xung quanh tượng Đức Phật là hàng nghìn vị Bồ tát, nhà sư. Ảnh: Guido Vermeulen-Perdaen/Shutterstock.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Hang động 16 đến 20 được xây dựng đầu tiên của quần thể (khoảng năm 460 – 470), dưới sự chỉ đạo của nhà sư Tan Yao. 5 bức tượng Phật ở đây đại diện cho 5 vị hoàng đế, thể hiện sức mạnh của hoàng gia triều đại Bắc Ngụy. Trong đó, trần nhà ở hang số 20 đã bị sập từ lâu. Ảnh: China Discovery.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Ngoài tượng lớn, ở đây còn có những tác phẩm điêu khắc với chiều cao nhỏ nhất là 2 cm. Ảnh: Sergei Mugashev/Shutterstock.

Quần thể hang động khắc 51.000 tượng Phật

Khi đến đây, du khách thường chọn tuyến đường tham quan từ quảng trường Tan Yao – đền Lingyan – Nhà tưởng niệm Thủ tướng Chu Ân Lai – khu vực hang động – bảo tàng múa rối – phòng trưng bày – trung tâm biểu diễn nghệ thuật – phố ẩm thực. Để đi hết các điểm này, du khách sẽ mất khoảng nửa ngày. Nếu chỉ có 2 giờ ở đây, bạn nên tham quan hang 5, 6, 9 – 13, 16 – 20. Ảnh: Terimma/Shutterstock.

Để tới hang động, du khách có thể đặt các chuyến bay đến Đại Đồng, từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… sau đó đi bằng taxi (chi phí 50 CNY, khoảng 170.000 đồng) hoặc tàu. Ở ga tàu có các chuyến xe buýt du lịch xuất phát lúc 6 giờ và 18 giờ 40 đến hang Yungang.

Thời gian đẹp nhất để đến thăm nơi này là từ tháng 5 đến tháng 10, khi ít mưa và không có gió, bụi. Quần thể mở cửa tham quan từ lúc 8 giờ 30 sáng, giờ đóng cửa dao động từ 17 giờ đến 17 giờ 30, phụ thuộc vào mùa. Từ tháng 4 đến tháng 11, phí vào cổng là 120 CNY (400.000 đồng) giảm còn 100 CNY (330.000 đồng) trong các tháng còn lại. Miễn phí cho trẻ em cao dưới 1,2 m.

Du khách cũng có thể thuê hướng dẫn viên nói tiếng Trung, Nhật hoặc Anh ở sảnh phía nam của trung tâm dịch vụ. Chi phí là 150 CNY (500.000 đồng).

Lan Hương (Theo UNESCO, Atlasobscura)

Nguồn