PVN vận hành 2 dự án đúng tiến độ

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa đốt lửa lần đầu lò hơi nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và vận hành dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy của PVCFC.

Theo đó, lãnh đạo PVN và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lilama đã đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy số 1, trên công trường dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, hôm 28/7.

polyad

Cán bộ đại diện PVN và Lilama tại lễ gắn biển công trình.

Ông Hồ Xuân Hiền, Trưởng ban Quản lý dự án cho biết, sự kiện là dấu mốc để chủ đầu tư PVN và tổng thầu Lilama kiểm tra chất lượng thiết bị và hệ thống phụ trợ đi kèm. Từ đó, dự án được đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để triển khai, hoàn thiện công tác chạy thử và tiến tới các mốc quan trọng tiếp theo.

Quá trình đốt lửa bằng dầu này sẽ kéo dài trong ba tháng, hướng đến vận hành các lò hơi bằng than vào tháng 11/2020, phát và hoà lưới điện Quốc gia cuối đầu năm 2021. Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 dự kiến vận hành Tổ máy 1 vào quý II/2021, Tổ máy 2 vào quý III, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Dịp này, PVN tổ chức lễ gắn biển hoàn thành hai cột mốc quan trọng của dự án: Đốt lửa lần đầu Lò hơi Tổ máy 1 và hoàn thành Sân phân khối 500kV Trung tâm Điện lực Sông Hậu. PVN đánh giá dự án đã hoàn thành vượt tiến độ nhiều hạng mục.

“Kết quả trên cho thấy tinh thần làm việc quên mình của người lao động, quyết tâm của chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Tổng thầu và các nhà thầu thi công… đã vượt qua nhiều thử thách khó khăn”, đại diện PVN nói. “Việc hoàn thành nhiệm vụ này diễn ra trong bối cảnh khó khăn chung về công tác đầu tư xây dựng, đặc biệt từ Covid-19”.

Có một số hạng mục trên công trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, PVN phải tạm dừng công tác điều động chuyên gia từ các nhà thầu, nhà cung cấp từ Đức, Italy, Hàn Quốc, Mỹ… Ngoài việc thiếu chuyên gia nước ngoài và vật tư thiết bị, nhân lực thi công trên công trường cũng bị ảnh hưởng, thiếu hụt nhiều so với thực tế do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Dấu ấn tiếp theo của PVN là dự án sản xuất phân bón phức hợp từ urea nóng chảy, của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau PVCFC, tổ chức lễ gắn biển hôm 29/7.

polyad

Đại diện PVN và PVCFC tại lễ gắn biển công trình.

Tổng giám đốc PVCFC – Văn Tiến Thanh cho biết, dự án là một trong những công trình mang tính quyết định trong việc xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển của PVCFC trong 5 năm tới.

Khi hoạt động, dự án sẽ trở thành nhà máy sản xuất phân bón phức hợp một hạt có chất lượng dẫn đầu thị trường, công suất 300.000 tấn mỗi năm, tổng mức đầu tư trên 800 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. “Dự án này cũng đánh dấu lần đầu tiên tại Việt Nam có một nhà máy phân bón phức hợp được đầu tư thiết bị chính của EU/G7, sở hữu dây chuyền sản xuất theo công nghệ tiên tiến bậc nhất từ Tây Ban Nha, trở thành công trình sản xuất phân bón phức hợp hiện đại bậc nhất”, ông Văn Tiến Thanh nói.

polyad

Các đại diện PVCFC kiểm tra quy trình vận hành tại nhà máy.

Đại diện chủ đầu tư đánh giá công trình này chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19, đặc biệt là kế hoạch huy động nhân sự của các đối tác nước ngoài từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Italy, Đức… Trong bối cảnh đó, PVCFC đã chủ động phối hợp với nhà thầu EPC, đội ngũ kỹ thuật từ Đạm Cà Mau để tiếp tục vận hành mà không có các chuyên gia nước ngoài.

“Đây là công trình trọng điểm, đánh dấu sự phát triển mới của PVCFC khi hoàn thành vào thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020- 2025”, ông Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc PVN nói.

Tuấn Vũ

Nguồn