Nỗi ám ảnh nợ xấu của thập niên trước quay trở lại

Theo các chuyên gia, việc khoanh, đảo nợ giúp nợ xấu tạm thời bị che giấu nhưng vẫn tăng lên, có thể gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau này.

Tại buổi tọa đàm Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia tài chính, bất động sản thừa nhận nỗi ám ảnh nợ xấu cách đây một thập niên đang quay trở lại khi Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đặt vấn đề nợ xấu đang được gia hạn, các hình thức khoanh nợ, đảo nợ chỉ làm đẹp sổ sách trước mắt nhưng có thể trở thành mối lo về sau. Ông Hiếu phân tích, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 cho phép các nhà băng cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, giảm lãi suất,…

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi các doanh nghiệp đang có nợ xấu được cơ cấu về lại nhóm nợ bình thường. Từ đó, nợ xấu bị che đi một phần nào đó, dẫn đến tình trạng ngày càng xấu hơn.

“Với kinh nghiệm 45 năm hoạt động trong ngành ngân hàng, tôi chưa thấy nợ xấu nào bỗng dưng biến thành nợ tốt. Tôi e rằng nợ xấu đang tăng lên, nếu không kiểm soát có thể trở thành rủi ro cho hệ thống”, ông Hiếu khuyến cáo và nhấn mạnh chỉ có minh bạch nợ xấu mới có thể tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau này.

Kiểm đếm tiền mặt tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh:Giang Huy.

Kiểm đếm tiền mặt tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh:Giang Huy.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng – Đại học Văn Lang cũng nhận định, ngay khi Chính phủ tung các gói kích thích, ngân hàng tập trung đảo nợ và tái cấu trúc nợ cho thấy tâm lý đánh cược vào khả năng hồi phục trong tương lai.

Điều này có nghĩa là nếu thị trường hồi phục nhanh, nợ xấu có thể sẽ được xử lý và kỳ vọng không còn xấu nữa. Thế nhưng, nếu thị trường không hồi phục sớm, nợ xấu sẽ ngày càng xấu hơn và trở thành rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Theo ông Hải, việc cần làm hiện nay là các ngân hàng phải minh bạch vấn đề nợ xấu ngay từ đầu. Nhà băng cũng cần minh bạch các vấn đề nợ xấu với khách hàng để tạo được sự phát triển cho toàn hệ thống và tránh được những rủi ro trong tương lai.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhớ lại giai đoạn 2009-2010 khi nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên dẫn đến sự xuất hiện của công ty AMC quản lý nợ. Sau đó, khi quy mô nợ lớn hơn SCIC và VAMC tiến hành mua lại nợ của hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, để xử lý nợ xấu không hề đơn giản và mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là nợ xấu ở nhóm bất động sản.

Ở các chu kỳ khủng hoảng trước đây, tại Việt Nam xảy ra hiện tượng mua lại nợ xấu khá phổ biến. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc mua lại nợ xấu rất khó xảy ra. Hiện nay, các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ tránh những dự án bị rơi vào nhóm nợ xấu ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng đã tỉnh táo hơn cách đây một thập niên, họ chủ động chạy trước và tìm nhà đầu tư nước ngoài vào trước khi các công ty mua bán nợ vào cuộc.

Với góc nhìn lạc quan, ông Khương đánh giá, diễn biến thị trường mua bán nợ nói chung và M&A bất động sản nói riêng hiện nay đang tốt hơn rất nhiều giai đoạn 2009-2010. Điểm tốt hơn nằm ở khía cạnh thanh khoảnh của tài sản vẫn duy trì được, quản trị rủi ro kiểm soát được, ngoại trừ pháp lý dự án đang khó khăn vì kéo dài và tâm lý thị trường gặp trở ngại do dịch bệnh. Bản thân các doanh nghiệp ngay khi cảm thấy khó khăn sẽ lập tức chủ động, chấp nhận đi tìm đối tác trước khi khoản nợ đó biến thành nợ xấu trong các ngân hàng nên việc xử lý nợ cũng linh hoạt hơn.

Giảng viên Đại học Fullbright Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành nhận xét, tại Việt Nam có thể nhìn vào các ngân hàng thương mại để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Chẳng hạn như dịch bệnh có làm cho hoạt động của các ngân hàng thương mại xấu đi hay không. Nếu thật sự xấu đi sẽ khiến bất động sản cũng xấu theo. Ông Thành cũng chỉ ra nguyên nhân vì sao các cuộc khủng hoảng trước đây để lại hậu quả rất nặng nề là do sự yếu kém dồn lại trong hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, theo ông Thành, với diễn biến hiện nay, bằng cách quản lý, vận hành tốt hệ thống ngân hàng, Chính phủ có thể điều tiết được nền kinh tế. Trong trường hợp nợ xấu các ngân hàng tăng lên nhưng thanh khoản vẫn duy trì ổn định thì mọi thứ vẫn kiểm soát tốt.

Trung Tín

Nguồn