Nhà máy 116 tỷ đồng bỏ hoang

Hà TĩnhNhà máy chế biến súc sản Mitraco trị giá 116 tỷ đồng bỏ hoang 2 năm nay ở Kỳ Anh sẽ được một công ty liên doanh với Nhật tiếp quản trong tháng 6.

Ngày 26/5, bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh (Mitraco) cho biết, trong tháng 6, lãnh đạo sẽ ký hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh, bàn giao nhà máy chế biến súc sản Mitraco (công ty con) cho một công ty Việt Nam liên doanh Nhật Bản tiếp quản.

Nhà máy chế biến súc sản Mitraco bỏ hoang gần 2 năm nay. Ảnh: Đức Hùng

Nhà máy chế biến súc sản Mitraco bỏ hoang gần 2 năm nay. Ảnh: Đức Hùng.

Theo bà Hà, động thái này bắt nguồn từ việc nhà máy súc sản bị thua lỗ, đình trệ gần hai năm qua. Cuối tháng 5/2020, hệ thống nhà xưởng đóng kín cửa, xung quanh nhiều vật liệu xây dựng vứt rải rác. Tại các khu vực nhốt gia súc tập trung cỏ mọc um tùm, nhiều máy móc gỉ sét, mái tôn bị gió thổi đổ song không có ai dọn dẹp. Người dân trong vùng còn đưa bò vào khuôn viên chăn thả.

“Qua thẩm định, Mitraco thấy đối tác này đáng tin cậy để hợp tác. Ban đầu, trên cơ sở vật chất sẵn có, họ dự tính bỏ thêm 20 tỷ đồng để phục hồi. Trước mắt sẽ chú trọng vào mảng sản xuất, chế biến thực phẩm đông lạnh như gà, cá, lợn… sau này khởi động lại việc giết mổ gia súc. Mục tiêu lâu dài là hướng tới xuất khẩu sản phẩm đông lạnh sang Nhật Bản”, bà Hà nói.

Phó tổng giám đốc Mitraco đánh giá việc hợp tác này khả thi, bởi đối tác có thị trường, chiến lược và sự quyết liệt, khả năng cao sẽ phục hồi được dự án. Công ty này cam kết bốn tháng kể từ khi ký hợp đồng sẽ vận hành lại các hệ thống chế biến có sẵn từ trước, sau đó đầu tư thêm công nghệ, máy móc phát triển sản xuất.

“Mitraco dự tính trong năm đầu tiên để đối tác tự sản xuất, tự thu, chi. Sang năm thứ hai sẽ khoán kết quả kinh doanh, yêu cầu mỗi năm nộp một khoản tiền lãi nhất định”, bà Hà cho hay.

Dây chuyền giết mổ lợn của nhà máy súc sản Mitraco hồi tháng 12/2015. Ảnh: Đức Hùng

Dây chuyền giết mổ lợn của nhà máy súc sản Mitraco hồi tháng 12/2015. Ảnh: Đức Hùng

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Ban quản lý khu Kinh tế Hà Tĩnh, Ban này là cơ quan đã xúc tiến tìm đối tác để “cứu” dự án nhà máy súc sản của Mitraco. “Sự hợp tác trên là cơ hội để tạo ra chuỗi giá trị vào thị trường Nhật Bản, tiến tới thu hút thêm các nhà đầu tư từ nước ngoài vào địa bàn trong thời gian tới”, ông nói.

Năm 2013, Mitraco – doanh nghiệp Nhà nước, khởi công xây nhà máy chế biến súc sản trên diện tích đất 12,5 ha tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh theo yêu cầu của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tổng số vốn dự án khoảng 116 tỷ đồng, trong đó vốn ưu đãi và địa phương hỗ trợ là 30 tỷ đồng, vốn tự có của chủ đầu tư 29 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi hơn 56 tỷ đồng.

Nhà chức trách kỳ vọng dự án sẽ tạo đà cho lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Hà Tĩnh, giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi, đặc biệt là phát triển chăn nuôi lợn. Ngoài ra, tỉnh này dự tính nhà máy sẽ sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu.

Tháng 7/2014, nhà máy khánh thành với hệ thống máy móc, dây chuyền thiết bị nhập từ châu Âu, mục tiêu đạt công suất giết mổ 120 con lợn trong một giờ, dây chuyền giết mổ bò 50 con một ca và chế biến sản phẩm 5 tấn mỗi ngày. Bên cạnh đó công ty còn sản xuất thêm giò lụa, xúc xích, dăm bông để bán cho các Công ty Formosa, Khu công nghiệp Bắc Vinh, cửa hàng bán lẻ trong tỉnh.

Năm đầu tiên, nhà máy đạt 20% công suất đề ra, mỗi ngày giết mổ hơn 100 con lợn và bò với giá hơn 30.000 đồng một lần. Đến năm 2016 thì bắt đầu thiếu đầu ra do người dân tự giết mổ tại nhà. Cơ sở sau đó hoạt động cầm chừng, năm 2018 thì đình trệ. Nhiều công nhân xin nghỉ, một số cán bộ được chuyển về công ty mẹ, Mitraco chỉ cử khoảng 3-5 bảo vệ ở lại trông coi tài sản.

Nhiều dây chuyền hiện đại nhập về từ châu Âu không sử dụng gần hai năm nay. Ảnh: Đức Hùng

Nhiều dây chuyền hiện đại nhập về từ châu Âu không sử dụng gần hai năm nay. Ảnh: Đức Hùng

Phó tổng giám đốc Mitraco lý giải, nguyên nhân dự án đình trệ, thua lỗ do thiếu đầu ra và thị hiếu người tiêu dùng. Người dân vẫn chưa quen với quy trình giết mổ công nghiệp, họ cho rằng gia súc khi giết mổ xong tại nhà máy sẽ bị hao thịt, nên hạn chế đưa vào. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khách quan khác về mặt quản lý, giám sát của lực lượng liên ngành.

“Việc đóng cửa nhà máy khiến lãnh đạo công ty sốt ruột, vì khối tài sản ở đó rất lớn. Song việc ngưng hoạt động là đúng, nhằm giảm lỗ nhiều chi phí và có thời gian tìm kiếm nhà đầu tư để tái khởi động dự án”, bà Hà nói.

Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh, ông Nguyễn Huy Đông thông tin chưa được chủ đầu tư báo cáo việc khởi động lại dự án đóng trên địa bàn, song chia sẻ “nếu nhà máy súc sản hoạt động lại thì rất tốt, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương”.

Nhà máy chế biến súc sản không phải là dự án đầu tiên kém hiệu quả của Mitraco. Trước đó, năm 2014, doanh nghiệp Nhà ước này cũng được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao tiếp nhận, xây dựng mô hình trồng rau trên cát ven biển với diện tích 90 ha ở xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà với kinh phí hơn 30 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án hoạt động ổn định hai năm đầu, sau đó thì đình trệ. Năm 2018, sau thời gian hoạt động cầm chừng, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định bán lại dự án này cho tập đoàn FLC với giá hơn 8 tỷ đồng.

Nhà máy 116 tỷ đồng bỏ hoang

Hiện trạng nhà máy chế biến súc sản Mitraco. Video: Đức Hùng

Đức Hùng