Người Trung Quốc thích trình duyệt Chrome

Russel Zeng sống tại Thâm Quyến, nơi được gọi là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. Từ văn phòng, anh vẫn sử dụng Chrome để đọc tin tức tiếng Anh.

Với Zeng, Google Chrome là cửa sổ mở ra thế giới.

Chrome là sản phẩm hiếm hoi được người Trung Quốc ưa chuộng và sử dụng nhiều sau khi Google bị cấm tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Chrome là sản phẩm hiếm hoi được người Trung Quốc ưa chuộng và sử dụng nhiều sau khi Google bị cấm tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Để tối ưu trải nghiệm trình duyệt, Zeng đã cài nhiều tiện ích mở rộng lên Chrome. Chẳng hạn, tiện ích FireShot giúp anh chụp màn hình các bài báo mà anh thấy hữu ích, sau đó chia sẻ với đồng nghiệp. Để cải thiện vốn tiếng Anh, anh sử dụng Grammarly để kiểm tra lỗi chính tả và từ gợi ý.

“Tôi không nhớ chính xác tại sao tôi lại chuyển sang Chrome từ vài năm trước”, Zeng nói. “Có lẽ tôi gặp khó khăn khi cài đặt các tiện ích mở rộng trên Safari và QQ Browser. Khi tham khảo ý kiến của bạn bè, Chrome là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi tôi muốn chuyển sang trình duyệt khác”.

Zeng không phải là người dùng Internet duy nhất tại Trung Quốc tìm đến và yêu thích trình duyệt web của Google. Theo những thống kê gần đây, Chrome là trình duyệt được sử dụng nhiều nhất tại Trung Quốc.

Số liệu từ Baidu cho thấy, Chrome chiếm 36% thị phần trên máy tính để bàn và 39% trên thiết bị di động trong 2020. Trong tháng qua, sản phẩm của Google luôn cao hơn Internet Explorer của Microsoft và QQ Browser của Tencent Holdings ít nhất 28%.

Còn theo dữ liệu của CNCERT, cơ quan ứng phó khẩn cấp máy tính quốc gia của Trung Quốc, Chrome chiếm 30% thị trường trình duyệt di động của Trung Quốc trong quý III/2019.

Chrome hiện chiếm 2/3 thị phần trình duyệt trên toàn cầu, theo số liệu của StatCounter. Tuy nhiên, với việc Google bị cấm tại Trung Quốc và hàng loạt dịch vụ của hãng không thể hoạt động tại đây, thị phần Chrome vươn lên đứng đầu là điều đáng ngạc nhiên.

Công cụ tìm kiếm Google Search đã bị chặn tại Trung Quốc từ 2010. Kể từ đó, gần như tất cả dịch vụ của “gã khổng lồ Mỹ” không thể hoạt động, gồm cả kho ứng dụng Google Play. Ngoại trừ các ứng dụng Google trên kho App Store của Apple, hầu hết người dùng Trung Quốc phải dùng mạng riêng ảo (VPN) nếu muốn sử dụng các sản phẩm Google.

Tuy nhiên, Chrome là trường hợp ngoại lệ. Trình duyệt này không yêu cầu kết nối với máy chủ của Google để hoạt động, có thể tải về qua website google.cn/chrome. Nó cũng có tùy chọn chuyển công cụ tìm kiếm mặc định từ Google sang Baidu hay Bing – những dịch vụ truy cập được ở Trung Quốc.

“Ở Trung Quốc, mọi người chọn Google Chrome về cơ bản vì nó nhanh hơn và thân thiện hơn với người dùng”, Yuwan Hu, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Daxue Consulting có trụ sở tại Thượng Hải, nhận xét. “Tốc độ là lý do chính”.

Chrome có hàng loạt đối thủ cạnh tranh tại Trung Quốc. Bên cạnh các sản phẩm của Microsoft và Mozilla, những “gã khổng lồ phần mềm” trong nước như Tencent hay Alibaba đều có trình duyệt riêng. Các thương hiệu smartphone như Xiaomi, Oppo cũng có trình duyệt cài sẵn trên thiết bị.

“Google Chrome khá đơn giản. Nó cho phép bạn tập trung vào các trang web và quên đi trình duyệt”, một người dùng trên Zhihu, website tương tự Quora, viết. “Những trình duyệt khác tại Trung Quốc hướng đến lợi nhuận, đó là lý do tôi không thích. Về cơ bản, chúng không phải là trình duyệt mà đúng hơn là công cụ để các công ty quảng cáo”, một người khác chia sẻ.

Giao diện tab mới của Chrome (ngoài cùng bên trái) và các trình duyệt khác tại Trung Quốc trên iPhone.

Giao diện tab mới của Chrome (ngoài cùng bên trái) và các trình duyệt khác tại Trung Quốc trên iPhone.

Ngay từ lần mở đầu tiên, người dùng sẽ thấy Chrome chỉ lưu một vài thứ đơn giản, như các website thường xuyên truy cập, một số phím tắt, hay chỉ một vài website đề xuất. Trong khi đó, nhiều trình duyệt khác sẽ có bố cục rối rắm: thanh tìm kiếm và nhập URL trên cùng, các bài báo nổi bật từ các trang chính thống, tiếp theo là nguồn cấp dữ liệu vô tận theo sau cùng hàng loạt quảng cáo. “Bố cục như vậy làm mờ ranh giới giữa trình duyệt và ứng dụng tin tức”, một người dùng nhận xét.

Thiết kế trình duyệt như một trang tin tức từng mang lại thành công cho các công ty khởi nghiệp, chẳng hạn ByteDance – hãng đứng sau TikTok. Nhưng liệu đó có phải là cách lý tưởng để xây dựng một trình duyệt hay không là một câu hỏi khác. Một lượng lớn người dùng Trung Quốc thích trình duyệt của mình ít lộn xộn và tiện dụng hơn, như Chrome.

“Chrome đi trước các trình duyệt khác. Nó nhanh hơn rõ ràng, giao diện đơn giản hơn và không có cửa sổ bật lên”, Zeng cho biết. “Trên một số trình duyệt tại Trung Quốc, các quảng cáo sẽ bật lên sau một thời gian bạn không hoạt động”.

Kaiser Kuo, cựu giám đốc truyền thông quốc tế tại Baidu, cho biết phản ứng của người dùng đối với một số trình duyệt trong nước có thể là do chiến thuật thu hút người dùng của họ. Trước đây, các nhà sản xuất luôn làm cho trình duyệt rất khó gỡ cài đặt, còn gần đây là cung cấp càng nhiều dữ liệu thông tin càng tốt.

“Người dùng Trung Quốc từng muốn có một trình duyệt trông giống như một cửa hàng. Ở đó, chúng sẽ được chất đầy hàng hóa trên kệ, với sức chứa tối đa. Thiết kế này đã tồn tại thời gian dài, và dễ được chấp nhận hơn so với phương Tây”, Kuo nói. “Tuy nhiên, tôi cảm thấy người dùng giờ đây ngày càng tinh vi hơn, muốn trải nghiệm sự đơn giản”.

Một meme so sánh Chrome và các trình duyệt khác tại Trung Quốc.

Một meme so sánh Chrome và các trình duyệt khác tại Trung Quốc.

Không chỉ trải nghiệm người dùng, không ít người Trung Quốc tránh các trình duyệt trong nước chỉ vì chúng có thể chặn quyền truy cập vào các website bên ngoài. Trong khi đó, Firefox được tích hợp sẵn VPN, hay Chrome có thể cài thêm tiện ích VPN mở rộng. “Đó chủ yếu là vấn đề về lập trường”, một người dùng viết trên Zhihu để trả lời câu hỏi về lý do tại sao một số người coi Chrome tốt hơn trình duyệt Trung Quốc.

Dù phổ biến như vậy, Chrome đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng tại Trung Quốc.

Tháng 1, Microsoft đã phát hành một phiên bản mới của Edge – trình duyệt được xây dựng trên mã nguồn mở Chromium của Google. Về cơ bản, nó hoạt động giống như Chrome, đi kèm với nhiều tính năng tương tự, thậm chí còn hỗ trợ các tiện ích mở rộng của Chrome.

“Tôi quyết định chọn Edge vì mọi người ở Trung Quốc thường không thể sử dụng tài khoản Google. Edge thì có”, một người dùng Zhihu viết. “Có thể, tôi phải nói rằng tôi sẽ không dùng Chrome nữa”, một người khác chia sẻ.

Bảo Lâm (theo SCMP)

Nguồn