Người Trung Quốc ở Hong Kong hoang mang với thuế thu nhập mới

Lao động Trung Quốc tại Hong Kong đang lo lắng vì quy định phải khai thu nhập và nộp mức thuế đến 45% từ đại lục.

Nỗi lo về việc chảy máu chất xám ở Hong Kong đang gia tăng sau khi Trung Quốc có quy định mới về đánh thuế thu nhập cá nhân công dân làm việc ở nước ngoài. Với mức thuế cao tới 45%, tăng từ khoảng 15% trước đây, các chuyên gia Trung Quốc trên khắp đặc khu đang cân nhắc việc trở về đại lục để tránh chịu mức thuế mới trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố này.

Luật An ninh mới đã khiến nhiều người địa phương và lao động nước ngoài khác quyết định rời bỏ Hong Kong. Lần này, nếu cuộc hồi hương xảy ra vì quy định thuế thu nhập, đồng nghĩa xoá tan kỳ vọng các tài năng từ đại lục có thể bù đắp tình trạng trên.

SCMP cho rằng, mặc dù còn quá sớm để đánh giá xem có bao nhiêu người sẽ rời đi, nhưng rõ ràng các chuyên gia cao cấp làm việc tại Hong Kong giờ có thêm lý do để rời khỏi. Thành phố này cách đây không lâu được đánh giá là một trong những nơi hấp dẫn nhất thế giới để xây dựng sự nghiệp. Rủi ro sẽ đè nặng lên đặc khu và góp thêm phần suy yếu vị thế trung tâm tài chính của nó.

Một góc khu phố tài chính của Hong Kong hôm 27/4. Ảnh: Bloomberg

Một góc khu phố tài chính của Hong Kong hôm 27/4. Ảnh: Bloomberg

Mối bận tâm về chế độ thuế mới của Trung Quốc đã tăng lên những tuần gần đây, sau khi các doanh nghiệp nhà nước của đại lục tại Hong Kong yêu cầu nhân viên quốc tịch Trung Quốc chuyển sang khai báo thu nhập năm 2019 và đóng thuế tại quê nhà. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng đang thông báo cho nhân viên ở các địa điểm khác như Singapore quy định này.

Trong khi các nhà chức trách Trung Quốc sửa đổi các quy tắc thuế quốc gia vào tháng 1/2019, họ chỉ mới chỉ tiết lộ các hướng dẫn tuân thủ chi tiết gần đây, khiến nhiều người bất ngờ.

Ông Feng Ao, Chủ tịch Wosheng Law Quotient Academy, một đơn vị chuyên tư vấn về thuế cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm Trung Quốc cho biết, một số công ty có thể chia sẻ gánh nặng cho lao động bằng cách tăng lương, đặc biệt là đối với các giám đốc điều hành cấp cao, nhưng hầu hết nhân viên khác có thể phải chịu ảnh hưởng lớn.

“Đối với phần lớn nhân viên, cơ hội được tăng lương và trợ cấp phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty,” ông Feng nói, “Điều này dường như không thể xảy ra trong tình hình kinh tế toàn cầu đang gặp đại dịch”.

Giám đốc điều hành cấp cao một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cho biết mức thuế mới của ông giờ đây có thể sẽ xóa sạch số tiền tiết kiệm đã tích lũy được kể từ khi chuyển gia đình tới Hong Kong vài năm trước. Các đồng nghiệp của ông đã thỉnh cầu cấp trên ở Bắc Kinh cứu trợ, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Một số người đang cân nhắc quay về Trung Quốc hoặc đổi sang hộ chiếu Hong Kong nếu đã sống ở thành phố đủ lâu để đạt điều kiện. Đặc khu đã cấp 340.000 thị thực nhập cư cho những người từ đại lục trong 5 năm qua.

Hong Kong là thành phố đắt đỏ thứ 6 thế giới dành cho người nước ngoài, so với 19 của Thượng Hải và 24 của Bắc Kinh, theo cuộc khảo sát gần đây của ECA International. Một số lao độngTrung Quốc có thể có ít sự lựa chọn ngoài việc gắn bó với Hong Kong, theo ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á tại ECA.

“Thường thì có một lý do họ làm việc ở Hong Kong chứ không phải ở Trung Quốc đại lục, bởi vì nó là nơi tốt hơn cho công việc mà họ đang làm”, ông Quane nói.

Không rõ chính quyền Trung Quốc sẽ áp dụng luật thuế nghiêm ngặt như thế nào đối với những công dân làm việc ở nước ngoài hoặc những người không làm việc cho các công ty nhà nước. Nhân viên một hãng viễn thông lớn cho biết vài đồng nghiệp người Tung Quốc của cô đang nghe ngóng tình hình và sẽ không tự nguyện kê khai thu nhập. Những người được điều chuyển công tác từ Trung Quốc sang đây có thể sẽ bị trừ thuế trực tiếp.

Donald, giám đốc điều hành của một công ty cho vay nhà nước Trung Quốc ở Hong Kong, cho biết công ty ông đang thực hiện kế hoạch cung cấp các khoản cho vay miễn lãi cho các nhân viên bị ảnh hưởng, nhưng ông nghi ngờ khoản hỗ trợ này khó kéo dài hơn một năm.

Trở về đại lục đã trở thành một trong những ưu tiên lớn nhất của ông. “Nói một cách ngắn gọn, tiền lương của tôi hiện phải chịu mức thuế cao ở đại lục nhưng tôi cần trang trải chi phí sinh hoạt cao ở Hong Kong”, ông nói, “Nó là ảnh hưởng kép lớn”.

Phiên An (theo SCMP)

Nguồn