Người dùng hào hứng trải nghiệm nhận diện khuôn mặt tại LiveBank

Thế Anh (22 tuổi, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội) vừa thích thú, vừa bỡ ngỡ khi nhận tiền từ cây ATM sau vài giây đứng yên chờ máy quét khuôn mặt.

“Lần đầu tiên mình thực hiện giao dịch nộp tiền, rút tiền hoàn toàn bằng ‘người không’, Thế Anh hào hứng nói sau khi trải nghiệm tính năng nhận diện khuôn mặt tại ngân hàng tự động TPBank LiveBank. Công nghệ mới không yêu cầu Thế Anh mang theo thẻ ATM, bấm mã PIN… như cách thức truyền thống. Thao tác duy nhất là đứng yên để máy quét khuôn mặt và nhận diện.

“Giống như một lần selfie bằng điện thoại trong 3 giây, các giao dịch tiếp đó diễn ra dễ dàng trong vài phút”, cậu thích thú mô tả lại.

Thừa nhận bản thân “lười và hay quên”, theo Thế Anh, tính năng mới mẻ này giúp nhiều người dùng trẻ như cậu không cần mang theo thẻ cứng trong ví, nhớ hàng tá mật khẩu, hay gặp trường hợp bị nuốt thẻ, mất thời gian làm các thủ tục cấp lại. Thế Anh cũng đánh giá cao tính nhanh nhạy và chính xác của máy khi giao dịch thực hiện khi trời đã nhá nhem tối.

Khách hàng đang giao dịch tại LiveBank của TPBank.

Khách hàng đang giao dịch bằng vân tay tại LiveBank.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt là không còn quá xa lạ với người dùng trẻ, khi điện thoại Apple tích hợp tính năng FaceID lên sản phẩm iPhoneX từ lâu. Tuy nhiên, tính năng này trong giao dịch ngân hàng Việt Nam hay trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại Việt Nam, tháng 7 vừa qua, TPBank là ngân hàng Việt đầu tiên cập nhật tính năng nhận diện khuôn mặt vào trong giao dịch tại ngân hàng tự động LiveBank.

Hệ thống Depth Camera có chức năng Liveness check (đảm bảo người thật, chống mạo danh bằng ảnh hay video) và sử dụng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) để nắm bắt dữ liệu khuôn mặt chính xác. Theo đó, công nghệ này sẽ phân tích khuôn mặt thông qua góc cạnh, chiều sâu, hình dáng mắt, phát hiện chuyển động, cảm nhận nhiệt độ… để nhận diện chính xác người dùng.

Theo đại diện ngân hàng này, các hệ thống thông thường chỉ có thể so sánh giữa khuôn mặt đăng nhập và khuôn mặt đã lưu trữ trong máy. Còn với TPBank LiveBank, công nghệ mới cho phép so sánh giữa khuôn mặt đăng nhập với hàng triệu khuôn mặt trong hệ thống.

Bảo mật là điều khiến Thanh Vân (20 tuổi, Sinh viên trường Kinh tế Quốc dân Hà Nội) lăn tăn trước khi thử nhận diện bằng khuôn mặt trên LiveBank. Tuy nhiên, bạn trẻ này phát hiện ra, sau bước quét và nhận diện khuôn mặt, hệ thống còn có bước thứ hai là xác thực bằng cách quét vân tay.

“Vân tay không thể làm giả hay trùng nhau, ngay cả với anh em sinh đôi. Thao tác này giúp mình yên tâm vì tránh tình trạng bị lộ thông tin thẻ, mật khẩu”.

Cũng theo đại diện TPBank, công nghệ này giúp hạn chế tối đa việc khách hàng mở tài khoản ảo hay dùng chứng minh thư giả, tư lợi cá nhân. Ngoài ra, với những giao dịch trên 5 triệu, TPBank LiveBank sẽ gửi lớp xác thực thứ ba là mã OTP đến số điện thoại đã đăng ký để đảm bảo an toàn.

Lớp giao dịch vân tay gia tăng bảo mật.

Lớp giao dịch vân tay gia tăng bảo mật.

Theo thống kê của TPBank, kể từ khi ra mắt hệ thống nhận diện khuôn mặt, đã có hơn 25.000 khách hàng đăng ký sử dụng nhận diện khuôn mặt kể từ khi tính năng này ra mắt trong tháng 7. Con số này gấp ba lần đăng ký dùng bảo mật vân tay các tháng trước đó. Hiện TPBank LiveBank phục vụ hàng triệu lượt khách hàng giao dịch mỗi ngày.

“Con số này là minh chứng công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ là xu hướng trong giao dịch ngân hàng. TPBank LiveBank đã tiến thêm một bước mới trong việc dẫn đầu xu hướng, tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng, thúc đẩy giao dịch trở nên nhanh chóng, tiện lợi, gần gũi và thân thiện hơn”, đại diện TPBank chia sẻ.

Số liệu từ mạng lưới xử lý thanh toán VisaNet mới đây cho thấy, các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người dùng Việt Nam. 82% quan tâm đến phương thức thanh toán sinh trắc học, như sử dụng vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch, trong khi 81% quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số.

Trên thế giới, CaixaBank ở Tây Ban Nha là ngân hàng đầu tiên ứng dụng nhận diện khuôn mặt từ 2019, tuy nhiên vẫn cần có thẻ vật lý hoặc thẻ tích hợp trên điện thoại để quẹt vào máy. Gần đây, một số ngân hàng tại Việt Nam đã theo xu hướng mới, ứng dụng sinh trắc học trong giao dịch, song mới ở mức đơn giản, thông qua ứng dụng mobile banking.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và ngân hàng số, nhằm đem đến với các dịch vụ hiện đại không thua kém thế giới tới người dùng Việt.

Phong Vân

Nguồn