Mua tên lửa, xe tải qua livestream

Trung QuốcHình thức bán hàng trực tuyến phát triển giúp người Trung Quốc có thể mua xe tải, căn hộ, thậm chí là tên lửa qua Internet.

Đầu tháng 4, một buổi livestream trên Taobao thu hút hơn 19 triệu người xem, với nội dung rao bán gói phóng tên lửa. Gói bán ra gồm một quả tên lửa Kuaizhou-1A do ExPace, công ty con thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) sản xuất, sơn tùy chỉnh theo quyền của người mua, cũng như quyền sử dụng bệ phóng. Tên lửa sau đó đã được mua bởi một người ẩn danh với giá 40 triệu nhân dân tệ (5,6 triệu USD).

Một buổi livestream của một nhãn hàng quần áo. Ảnh: Reuters.

Một buổi livestream của một nhãn hàng quần áo. Ảnh: Reuters.

Buổi livestream được thực hiện bởi Huang Wei, 34 tuổi, còn được biết đến với tên gọi Viya. Cô được mệnh danh là “nữ hoàng livestream” bởi có thể bán mọi thứ, từ tuýp kem đánh răng đến căn hộ, siêu xe… Tài khoản Taobao của cô hiện có 18 triệu người theo dõi, từng lập kỷ lục 37 triệu lượt xem cùng lúc, nhiều hơn đêm chung kết “Game of Thrones“, lễ trao giải Oscars hay các trận bóng “Sunday Night Football”.

Thương vụ bán tên lửa là minh chứng rõ nhất cho việc người ta có thể bán mọi thứ qua livestream. Theo SCMP, phát trực tiếp đang trở thành xu hướng “hot” ở Trung Quốc, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Với việc phải giãn cách xã hội, người dân buộc phải ở nhà, livestream trở thành kênh tiếp cận nhanh và đúng đối tượng nhất.

Được hình thành chủ yếu từ cộng đồng game thủ, livestream giờ đây đang áp đảo ở lĩnh vực thương mại điện tử, trở thành một kênh tiếp thị quan trọng, thậm chí là không thể thiếu đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, người dân cũng muốn tìm thấy hầu hết thứ mình cần qua livestream, thay vì phải vào các website bán hàng như trước đây.

Đặc trưng của những buổi livestream tại Trung Quốc là sự kết hợp giữa thương mại điện tử và giải trí. Điều này giúp các buổi phát trực tiếp không nhàm chán. Theo iiMedia Research, lượng quan tâm đến livestream trong 2020 tại nước này đạt 526 triệu người, tăng từ 504 triệu người trong 2019.

“Đại dịch đang trở thành chất xúc tác cho việc số hóa ngành công nghiệp và livestream nằm trong số đó”, Sandy Shen, Giám đốc nghiên cứu cao cấp tại Gartner, nhận định. “Livestream đang trở thành ngành công nghiệp ‘hot’ hơn bao giờ hết do rào cản tiếp cận thấp, chi phí rẻ và sức hút từ sự tiện lợi cao”.

Sany Truck được thành lập cách đây hai năm. Công ty thuộc Sany Group – một trong những nhà sản xuất máy móc xây dựng lớn nhất của Trung Quốc. Không giống các công ty đối thủ tập trung vào các kênh bán hàng và nhà phân phối ngoại tuyến, Sany Truck bắt đầu bán hàng trực tuyến ngay từ đầu, thông qua một ứng dụng tự phát triển. Giờ đây, công ty đang tận dụng các nền tảng video ngắn khác như Douyin hay Kuaishou để tiếp cận người mua tiềm năng.

“Rất nhiều người có thể không nhìn thấy những chiếc xe tải do chúng tôi sản xuất ở các cửa hàng, nhưng trên mạng thì rất nhiều”, Guo Yi, giám đốc tiếp thị kỹ thuật số của Sany Truck cho biết.

Yi tiết lộ, từ thời điểm người dân buộc phải ở nhà do Covid-19 đến nay, Sany Truck đã bán được hàng nghìn xe tải. Thậm chí, cuối tháng 2, họ đã bán được 186 xe tải qua livestream chỉ sau hai giờ phát trên Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ chỉ có 20 đến 30 đơn hàng vì đang cao điểm dịch bệnh. Nhưng mọi thứ vượt mong đợi”, Yi nhớ lại.

Sany Truck đã thành lập một đội ngũ livestream riêng gồm 7 người, luân phiên thực hiện trực tiếp 2 – 3 phiên phát giới thiệu sản phẩm. Tháng 4 vừa qua, hãng đã ra mắt mẫu xe mới qua hình thức này. Livestream thu hút 320.000 người xem và tạo ra 600 đơn đặt hàng.

Yi cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của hình thức livestream là “giai điệu” của bài thuyết trình. “Một ngôn ngữ nghiêm túc để liệt kê hàng loạt tính năng của sản phẩm không bao giờ đạt hiệu quả. Thay vào đó, bạn cần sự trẻ trung, ‘bắt trend’ và hài hước”, Yi nói.

“Cơn sốt” livestream cũng thu hút nhiều nhà lãnh đạo và doanh nhân trong ngành công nghệ Trung Quốc. Vào tháng 5, chủ tịch Gree Dong Mingzhu – người được biết đến là “nữ hoàng đồ gia dụng” của Trung Quốc – đã bán lượng hàng hóa trị giá 310 triệu nhân dân tệ (43,8 triệu USD) trong một sự kiện phát trực tiếp ba giờ trên nền tảng video ngắn Kuaishou.

Cùng tháng đó, Shen Peng, CEO của Waterdrop, một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tuyến Trung Quốc, đã tổ chức livestream hơn một giờ trên Kuaishou. Buổi phát có hơn một triệu lượt xem, bán ra các gói dịch vụ trị giá 10 triệu nhân dân tệ (hơn 1,4 triệu USD).

Bất chấp thành công, Peng cho rằng công ty không định hướng sẽ chuyển hoàn toàn sang bán hàng bằng phát trực tuyến. “Bản chất của bán hàng qua livestream là khuyến mãi. Đây không phải là một hoạt động thường nhật. Nó chỉ nên được thực hiện ở từng mốc thời gian nhất định”, ông Peng nói.

Bảo Lâm (theo SCMP)

Nguồn