Lão nông 4.0 bày cách vượt khủng hoảng

Sự kiên trì là chìa khóa để “Vua chuối” Võ Quan Huy và cộng sự ứng phó trước biến chuyển khó lường của thị trường do Covid-19.

Trong talkshow “Nguy – Cơ” số 3 với chủ đề “Bản lĩnh doanh nhân nông dân 4.0”, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp và cách ứng phó với khó khăn.

Mở đầu chương trình, tỷ phú nông dân cho rằng thiên tai có thể đến với ngành nông nghiệp bất cứ lúc nào. “Làm nông nghiệp hồi nào bản lĩnh của mình cũng phải cứng như đá, nghĩa là lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn. Chúng ta phải có những tính toán để vượt qua những khó khăn đó”, ông Huy nói.

Vị diễn giả cũng chia sẻ về hành trình khởi nghiệp đầy gian nan, 40 năm gắn bó nông nghiệp, hơn 20 lần thay đổi số cây trồng vật nuôi để tồn tại và phát triển đến nay. Cuộc đời làm nông nghiệp của ông Huy Long An khởi đầu từ cây mía, trồng từ Tây Ninh đến Bình Dương. “Trồng mía cũng có thời điểm bị hư, tôi phải mắc nợ đến mấy năm sau mới có thể trả hết”, ông Huy nói.

Talkshow Nguy - Cơ số 3 có sự tham gia của doanh nhân Võ Quan Huy.

Talkshow “Nguy – Cơ” số 3 có sự tham gia của doanh nhân Võ Quan Huy.

Sau khi khai phá thành công tiềm năng hai mảnh đất Tây Ninh và Bình Dương, ông Huy quyết định trở về quê hương khởi nghiệp. “Thời điểm này cũng có của ăn của để, tôi định về đó chiến đấu trên vùng đất phèn quê nhà. Nhưng sự khắc nghiệt của phèn không dễ dàng chút nào. Đến năm 2000 thì tôi gần như đuối sức”, ông Huy nói.

Động lực để ông Huy tiếp tục là sự khích lệ từ một người bạn. Người này chọn cách khoanh nợ, tiếp tục đầu tư cho ông Huy phát triển. Nhờ vậy, ông Huy tìm thêm các cây trồng ngắn ngày nhằm cải tạo vùng đất phèn này.

Ước mơ biến vùng đất phèn trở thành vùng cây trái trù phú giờ đã trở thành sự thật trên mảnh đất Đức Huệ, Long An. Đó là niềm vui lớn của ông Út Huy sau nhiều năm “chiến đấu” gian khổ.

Vượt bão Covid-19

Trong những tháng đầu năm nay, ông Huy cho rằng thị trường nông sản chưa thực sự ảm đạm, bởi lương thực thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, sức mua không bị ảnh hưởng nhiều. Khách hàng chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang kênh điện tử, đồng thời tiếp tục mua hàng trên những kênh phân phối sẵn có. Thời gian này việc sản xuất bắt đầu khó hơn trước.

Bắt đầu tháng 6-7, mọi thứ khó lường đến mức kinh nghiệm bao năm lăn lộn thương trường không giúp ông Huy đánh giá xu hướng tiếp theo của thị trường.

“Từ con tôm, trái chuối, trái thanh long, dưa hấu… xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Ví dụ trái dưa hấu không thể để quá lâu do quy định về kiểm soát dịch bệnh. Bình thưởng nếu như trước đây một ngày đi được 1.000 container tại cửa khẩu thì lúc đó chỉ bằng phân nửa”, ông Huy dẫn chứng về những diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Đứng trước những khó khăn này, CEO Huy Long An cho rằng phải có kế hoạch sản xuất, thu hoạch và thị trường một cách chi tiết, bám sát tình hình. Đối với những nhân sự trẻ của doanh nghiệp, ông Huy yêu cầu theo dõi sát sao mọi thông tin, liên tục cập nhật tình hình.

Theo ông Huy, đứng trước mọi mối nguy thì bản lĩnh đối diện với khó khăn đóng vai trò quan trọng. Thất bại ở đâu cần biết được vì sao thất bại, phân tích được những khó khăn đó, sẽ đưa ra nhiều giải pháp và chọn phương án phù hợp nhất.

Chia sẻ về thành công trong việc xuất khẩu, ông Huy cho biết doanh nghiệp đang xuất hai loại trái cây chính. Trong đó, bưởi bán nội địa hoặc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên quy mô chưa lớn. Chuối xuất khẩu trên 95% sản lượng.

Ảnh cắt từ talkshow.

Ông Võ Quan Huy trao đổi tại talkshow “Nguy – Cơ” số 3. Ảnh cắt từ video.

Để chinh phục những thị trường khó tính, ông Huy cho rằng cần hiểu khách hàng bản địa họ cần gì nhất. Đối với thị trường Nhật Bản, đó là sự minh bạch trong quy trình sản xuất sản phẩm. Ở Công ty Huy Long An, quy trình hay nhật ký sản xuất chuối đều tuân theo quy trình VietGap. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay trong vụ chuối thu hoạch đầu tiên, ông Huy đã xuất khẩu cho khách hàng Nhật. “Đừng nản lòng vì chúng ta không thể tiếp khách Nhật Bản dưới 5 lần mà phải 5-7 lần mới có thể thu được kết quả”, ông Huy nhấn mạnh.

Để thành công trong lĩnh vực nông nghiệp ông Huy cho rằng phải không ngừng học hỏi. “Có dịp tôi đi Australia, Phillipines xem họ nuôi bò như thế nào, qua Indonesia xem họ làm trại vỗ béo ra sao. Đối với cây chuối, tôi đi đến những vùng được coi là cái nôi trồng chuối của Việt Nam, ví dụ Trảng Bom, Đồng Nai nơi trồng chuối lâu đời, hoặc Lâm Đồng cũng có trang trại chuối xuất Nhật”, vị này dẫn chứng.

Hoài Phong

Talkshow Nguy – Cơ là không gian để các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ câu chuyện của mình, phân tích trực diện các vấn đề kinh doanh về cuộc chiến khốc liệt trên thương trường cùng host là doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân. 52 số của chương trình là câu chuyện của các vị lãnh đạo, đầu tàu doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bất động sản, tài chính đến dịch vụ giải trí, tiêu dùng, vận tải…

Những doanh nghiệp muốn chia sẻ câu chuyện của mình có thể liên hệ Ban sản xuất chương trình tại đây.

Nguồn