Lao động nhập cư quyết bám trụ thành phố dù đại dịch

Trung QuốcMột báo cáo mới cho biết, hầu hết lao động nhập cư của Trung Quốc sẽ ở lại các thành phố bất chấp Covid-19.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Trung tâm Phát triển Công tác Xã hội Bắc Kinh, tỷ lệ lao động nhập cư được hỏi cho rằng họ không còn cơ hội nếu trở về quê nhà là 63,35%. Tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi so với mức 35,3% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.

“Nhiều lao động nhập cư buộc phải đến các thành phố để kiếm sống. Với họ, đến các thành phố là lựa chọn tốt nhất trong số các lựa chọn tồi, vì không còn cơ hội hoặc hy vọng ở quê hương”, báo cáo viết.

58,84% người trả lời khảo sát cho biết họ sẽ ở lại thành phố cho dù có chuyện gì xảy ra để con cái được tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn, cao hơn nhiều so với 22% cho biết trong cuộc khảo sát trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Ngoài việc ở lại để được giáo dục tốt hơn, một số lao động nhập cư đã chọn sống và làm việc ở các thành phố lớn vì họ mắc các bệnh mãn tính và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế tốt ở quê hương, báo cáo cho biết.

Một công nhân tại Trung Quốc nghỉ giải lao. Ảnh: EPA-EFE

Một công nhân tại Trung Quốc nghỉ giải lao. Ảnh: EPA-EFE

Kết quả này tương phản với các báo cáo khác trước đó. Đơn cử như theo CGTN, tính đến cuối tháng 7, các chính quyền địa phương đã tạo ra 13 triệu việc làm mới cho lao động nhập cư trở về từ các thành phố lớn. 5% trong số việc làm là trong các ngành công nghiệp mới, chẳng hạn như bán nông sản qua livestream.

Trung Quốc đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh nhất và rộng nhất thế giới trong những thập kỷ gần đây. Vào cuối năm 2019, hơn 60% dân số Trung Quốc sống ở các thị trấn và thành phố, tăng từ 30% cách đây hai thập kỷ.

Sự di cư ồ ạt của lao động từ nông thôn đến các thành phố đã góp phần to lớn vào kỳ tích kinh tế của đất nước trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, ngay cả những người di cư đã sống ở các thành phố lớn nhiều năm vẫn chỉ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế. Con cái họ không được học lên cấp trên ở các trường công do hệ thống đăng ký hộ khẩu. Theo đó, quyền tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội được xác định bởi quê quán chứ không phải nơi sống.

Chính quyền các thành phố, lo ngại về viễn cảnh chi phí cho các dịch vụ xã hội tăng quá lớn, đã siết phần lớn giấy phép cư trú cho người di cư. Cách đây chưa đầy ba năm, thủ đô Bắc Kinh còn phát động một chiến dịch với những người lao động nhập cư đã sống nhiều năm ở các vòng ngoài của thành phố. Thành phố tố những người di cư này là “nhóm dân số thấp” trong các văn bản chính thức.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia (NBS), Trung Quốc có 288,36 triệu lao động nhập cư vào cuối năm 2018, chiếm hơn một phần ba số lao động của cả nước.
Lao động nhập cư đang ngày càng già đi, với độ tuổi trung bình là 40,2 tuổi và 22,4% trong nhóm hiện trên 50 tuổi. Khi người lao động lớn tuổi hơn, họ có xu hướng ở gần nhà hơn, cuộc khảo sát của chính phủ kết luận.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những người lao động này sẽ quay trở lại làng quê. Thu nhập trung bình hàng tháng của lao động nhập cư khoảng 3.721 nhân dân tệ (tương đương 542 USD) vào cuối năm 2018, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn, không bao gồm tiền gửi từ lao động nhập cư, chỉ khoảng 1.023 nhân dân tệ, có xu hướng giảm kể từ năm 2014.

Đối với những người quyết định ở lại thành phố để kiếm sống, cuộc sống khó khăn hơn vì ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi Trung Quốc chứng kiến sự sụt giảm mạnh về sản lượng kinh tế trong ba tháng đầu năm do phong tỏa, những lao động nhập cư đang phải vật lộn để kiếm sống.

“Covid-19 đã là một đòn chí mạng với nhiều công nhân nhập cư. Đối với những người đã sử dụng hết tiền tiết kiệm vào cuối tháng 2, một số bắt đầu thấu chi thẻ tín dụng hoặc thậm chí chuyển sang mượn từ cho vay ngang hàng”, Li Tao, Nhà sáng lập Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công tác Xã hội Bắc Kinh cho biết.

Báo cáo cho biết, phần lớn công nhân nhập cư không biết về Covid-19 cho đến ngày 25/1, khi Tết Nguyên đán bắt đầu, hầu hết ngôi làng trên khắp đất nước bị phong tỏa và giao thông liên tỉnh bị đình chỉ.

Trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, hầu hết công việc của người di cư bị đình chỉ, đặc biệt là những người làm việc trong các nhà hàng và ngành dịch vụ. Giữa đợt bùng phát dịch bệnh, một số người không thể kiếm được tiền vì họ không thể đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán do giao thông liên tỉnh ngừng hoạt động.

Sau khi các nhà máy nối lại hoạt động sản xuất vào tháng 4, số lượng đơn đặt hàng ở nước ngoài đã giảm mạnh, điều này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và giáng một đòn nữa vào lao động nhập cư, theo báo cáo.

Phiên An (theo SCMP)

Nguồn