Không chuyển cả 8 dự án cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý chuyển cả 8 dự án thành phần từ hình thức PPP sang đầu tư công theo đề xuất của Chính phủ. 

Thông báo kết luận phiên họp thứ 45 (ngày 15-16/5) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cơ quan này cho rằng, thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) là chủ trương lớn. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đã huỷ sơ tuyển một lần. Hiện có 7 trong số 8 dự án thành phần có ít nhất 2 nhà đầu tư tham gia sơ tuyển, chỉ có 1 dự án không có nhà đầu tư tham gia. 

“Việc tiếp tục huỷ sơ tuyển sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín Nhà nước, dư luận, tâm lý nhà đầu tư và ảnh hưởng tới công tác quản lý, triển khai các đoạn tiếp theo của toàn tuyến sau này, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)”, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Vì thế, cơ quan này không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức PPP sang đầu tư công. Thay vào đó, chỉ chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng, có nhà đầu tư nhưng khó có khả năng huy động vốn, khả năng đấu thầu không thành công. 

Đoạn cao tốc La Sơn - Tuý Loan sẽ kết nối với cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Võ Thạnh

Đoạn cao tốc La Sơn – Tuý Loan sẽ kết nối với cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Võ Thạnh

Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, sau hơn 2 năm triển khai 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam  theo hình thức đầu tư PPP phát sinh vấn đề, chủ yếu liên quan tới tính khả thi huy động vốn dự án.

Ước tính các nhà đầu tư phải huy động khoảng 35.000 tỷ đồng khi làm các dự án này thông qua vốn vay ngân hàng. Đây là số vốn tương đối lớn, khó huy động ngay. 

Lý do nữa được Chính phủ nêu khi chuyển 8 dự án này sang đầu tư công, là kết quả sơ tuyển 8 dự án thành phần thì 7 dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đã qua sơ tuyển, nhưng phần lớn các nhà đầu tư này là các doanh nghiệp thi công trong lĩnh vực giao thông, chứ không có tập đoàn lớn tham gia. Ngoài ra, Covid-19 ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh, nếu 8 dự án này chuyển sang đầu tư công và khởi công vào cuối năm nay sẽ giúp giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu sản xuất. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, vốn đầu tư công cho dự án thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư công, không để nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau. Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ, tài liệu báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Theo kế hoạch, tờ trình xin chuyển hình thức đầu tư các dự án này sẽ được Chính phủ hoàn thiện, báo cáo lần 2 tại đợt 3 của phiên họp thứ 45 (dự kiến tổ chức đầu tháng 6). Trường hợp đủ điều kiện, cơ quan thường trực sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận vào đợt 2 của kỳ họp thứ 9.

Anh Minh

Nguồn