EVN: ‘Ghi sai số điện chỉ là cá biệt’

Sau khi kiểm tra, EVN cho rằng các sai sót ghi chỉ số công tơ là lỗi tác nghiệp cá biệt và các cán bộ liên quan đã bị kỷ luật.

Đánh giá trên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra sau khi đồng loạt kiểm tra tại 5 tổng công ty điện lực, một số công ty điện lực địa phương với sự tham gia của đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất Lượng, Cục Điều tiết điện lực.

EVN đã xem các hồ sơ, giấy tờ và lựa chọn ngẫu nhiên các khách hàng để kiểm tra công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn và xử lý kiến nghị. Lãnh đạo EVN nói, kết quả cho thấy việc sai sót trong thời gian qua được nêu là các trường hợp cá biệt, do lỗi tác nghiệp xảy ra đồng thời tại một số khâu trong hoạt động ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện.

“Các đơn vị đã kỷ luật hàng loạt cán bộ quản lý liên quan, chúng tôi đã kịp thời triển khai các giải pháp kiểm soát để hạn chế việc xuất hiện các lỗi tương tự trong tương lai”, lãnh đạo EVN nói.

Trước đó, liên quan tới sai sót trong ghi chỉ số công tơ tại Quảng Ninh, 4 cán bộ Điện lực Vân Đồn bị kỷ luật từ khiển trách tới cách chức do liên quan tính nhầm gần 90 triệu đồng tiền điện tháng 5 của người dân.

Cũng theo kết quả kiểm tra của EVN, công tác lập lịch ghi chỉ số, thực hiện ghi chỉ số được các đơn vị thực hiện đúng thời gian được duyệt, phúc tra chỉ số và lập hóa đơn đúng quy định.

Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh thực hiện thao tác ghi chỉ số công tơ. Ảnh: Minh Hà

Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh thực hiện thao tác ghi chỉ số công tơ. Ảnh: Minh Hà

Kết quả cũng chỉ ra các đơn vị được kiểm tra đều chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Khi kiểm tra công tơ của các khách hàng, công tơ phù hợp với mẫu đã được phê duyệt, chứng chỉ (tem kiểm định, dấu kiểm định) kiểm định đúng quy định và còn hiệu lực, niêm phong, kẹp chì nguyên vẹn … bảo đảm ngăn ngừa tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường trong quá trình sử dụng.

EVN cũng khẳng định các yêu cầu kiến nghị của khách hàng được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng quy định.

Tới nay, EVN vẫn tái khẳng định, các khách hàng sinh hoạt có mức tiêu thụ điện tăng cao chủ yếu là các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, nên tiền điện cũng tăng theo. Còn với các hộ không sử dụng máy lạnh, chỉ sử dụng quạt làm mát thì chi phí này thay đổi không nhiều.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ nhiệt – lạnh (Đại học Bách khoa Hà Nội), điện năng tiêu thụ 4 tháng mùa hè cao hơn trung bình khoảng 20-50% so với các tháng khác trong năm. Trong đó điện năng tiêu thụ của điều hòa chiếm 28-64%, tủ lạnh 6-22%, còn lại là tiêu thụ điện của các thiết bị khác như TV, chiếu sáng, đồ làm bếp…

Ông dẫn chứng, điều hòa chiếm trung bình 40% tổng điện năng tiêu thụ của hộ gia đình, do vậy giả thiết khi không có điều hòa, điện năng tiêu thụ là 300 kWh tương đương với số tiền phải trả là 688.160 đồng. Còn nếu sử dụng điều hoà thì số điện sử dụng là (300/60)*100=500kWh, tương đương với 1.321.870 đồng. Chênh lệch tiền điện giữa sử dụng và không sử dụng là 92%. Đây chính là nguyên nhân làm tiêu thụ điện năng tăng mạnh trong mùa hè.

Anh Minh

Nguồn