Doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Mỹ chưa tận dụng hết các FTA

Dư địa châu Mỹ còn rất lớn cho các sản phẩm Việt Nam nhưng theo đại diện Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Việt đôi khi không thực sự “máu lửa”.

Tác động của Covid-19 khiến cầu tiêu dùng tại châu Mỹ giảm mạnh, kéo theo xuất khẩu nhiều sản phẩm của Việt Nam sang thị trường này đều giảm. Song, tại diễn đàn hợp tác thương mại và công nghiệp với các đối tác châu Mỹ năm 2020, ngày 25/9, ông Ngô Duy Khanh – Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên cho rằng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội.

Chẳng hạn với thị trường Canada, xuất khẩu sản phẩm giày dép Việt Nam mới chiếm 15,6%, dệt may là 6,9%, điện thoại linh kiện khoảng 5,7%… Trong khi đó, thuế suất các mặt hàng này sang Canada đã giảm dần về 0% nhờ cam kết trong CPTPP.

Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên kể lại câu chuyện một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thêu thủ công, mỗi năm thu 100.000 USD cho 2 container hàng sang Mỹ. Điều đáng tiếc là họ không có ý tưởng mở rộng thị trường sang các quốc gia lân cận, như Canada, để hưởng thuế suất ưu đãi tốt hơn nhờ CPTPP. Việc doanh nghiệp “hài lòng với 2 container hàng xuất sang Mỹ mỗi năm” cho thấy chính họ tự cản trở mình trước cơ hội lớn hơn nếu chọn xuất sang thị trường nước khác có ưu đãi thuế tốt.

“Các doanh nghiệp cần máu lửa hơn nữa, phải tham vọng lên chứ đừng dừng lại ở những gì mình có. Ngoài tìm hiểu về các hiệp định, doanh nghiệp xuất khẩu cần trở thành “chuyên gia FTA” để tận dụng cơ hội từ các thị trường mà FTA đem lại”, ông Khanh khuyến nghị.

Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn Hợp tác thương mại - công nghiệp với đối tác châu Mỹ năm 2020, ngày 25/9. Ảnh: Anh Minh.

Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn Hợp tác thương mại – công nghiệp với đối tác châu Mỹ năm 2020, ngày 25/9. Ảnh: Anh Minh.

Theo ông Trần Toàn Thắng – Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, một thách thức khi xuất hàng sang châu Mỹ, là Việt Nam sẽ xuất khẩu gì sang thị trường này, nhất là Mỹ, nơi chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Thắng, dệt may, da giày, thuỷ sản… vẫn là mặt hàng chủ lực sang châu Mỹ, đặc biệt với Mỹ. Các mặt hàng này liên quan trực tiếp tới chuyện phục hồi thu nhập người lao động, song song với quá trình kiểm soát Covid-19. “Liệu có xảy ra làn sóng Covid-19 thứ hai hoặc thứ ba tại khu vực này hay không thì vẫn còn là ẩn số quá lớn, khó đoán định. Vì thế, xuất khẩu hàng Việt sang châu Mỹ khởi sắc vào cuối năm và năm sau sẽ phụ thuộc phần lớn vào kiểm soát dịch bệnh tại các quốc gia này”, ông Thắng nhận xét.

Là doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công hàng sang châu Mỹ, đặc biệt là thị trường Mỹ, ông Phạm Hoàng Việt – Phó chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings (APH) nói, thách thức lớn là sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng, an toàn cho sức khoẻ và môi trường.

Ông Việt dẫn chứng, để được thị trường Mỹ đón nhận, sản phẩm sinh học phân huỷ hoàn toàn của APH phải đạt loạt chứng chỉ như BPI Compostable (về khả năng phân hủy), Food Contact (chứng nhận an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm). Hay đối với sản phẩm sàn nhựa công nghệ cao, doanh nghiệp này cũng phải đảm bảo chứng chỉ FloorScore (tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm đảm bảo lượng phát thải thấp nhất và không gây hại, phù hợp chất lượng không khí trong nhà).

Chưa kể, một số đối tác, nhất là tại Mỹ thường đưa ra những yêu cầu riêng về nhà xưởng phải đảm bảo vệ sinh, tiêu chuẩn cải tiến quy trình sản xuất… Tất cả những điều này doanh nghiệp phải chứng minh thực tế năng lực của mình với đối tác nếu muốn vượt và đạt các tiêu chuẩn xuất hàng.

“Châu Mỹ là thị trường lớn, được xem là khách hàng khó tính bậc nhất và có nhiều tiêu chuẩn riêng cho các doanh nghiệp, sản phẩm xuất khẩu. Vì thế không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi đưa hàng sang khu vực này”, ông bình luận.

Ở khía cạnh này, ông Bùi Huy Sơn – Tham tán công sứ thương vụ Việt Nam tại Mỹ lưu ý, doanh nghiệp cần điều chỉnh năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường như khi cải thiện bao bì đóng gói, thiết kế mẫu mã hàng hoá… phù hợp với giao hàng trực tuyến đang bùng nổ sau Covid-19.

Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam.

Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD năm 2011 lên 96,8 tỷ USD vào 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại hai chiều trong 8 tháng đầu năm nay vẫn tăng gần 16% so với cùng kỳ 2019. Về đầu tư trực tiếp, đến hết tháng 8, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.

Anh Minh

Nguồn