‘Dịch bệnh khiến người dân quan tâm đến bảo hiểm hơn’

Theo ông Chung Bá Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty TC Advisors, Covid-19 khiến người dân chú trọng hơn đến sản phẩm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm.

– Covid-19 ảnh hưởng ra sao tới ngành bảo hiểm nhân thọ ở các nước trên thế giới, thưa ông?

– Chúng ta sẽ nói về tác động với bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe vì đó là điều mà TC Advisors tập trung vào. Đại dịch đã làm tăng nhu cầu về bảo hiểm vì người dân nhận thức rõ hơn về sức khỏe và chăm sóc y tế quan trọng như thế nào.

Lúc này, hơn 27 triệu người đã nhiễm virus và gần 900 người tử vong. Những người đã hồi phục vẫn có thể gặp phải những biến chứng, chẳng hạn như tổn thương phổi và não. Điều rất quan trọng là phải cẩn thận và Chính phủ có nhiều động thái để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng tại Việt Nam.

Đối với bên yêu cầu thanh toán, chúng tôi thấy rằng những người nhiễm bệnh có thể phải chăm sóc đặc biệt dài hạn, rất tốn kém. Các hợp đồng bảo hiểm đang chi trả nhiều quyền lợi để trang trải các chi phí này cho khách hàng.

Chúng ta có xu hướng nhìn vào doanh thu nhưng không xem xét bao nhiêu lợi ích đã được trả để giúp đỡ khách hàng. Chi trả quyền lợi là công việc quan trọng nhất của hợp đồng bảo hiểm.

Trên toàn cầu, ngành bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe đã chậm lại một chút nhưng vẫn đang phát triển. Đặc biệt, tại các thị trường đang phát triển. Lý do là mọi người nhìn thấy nhu cầu rõ ràng hơn với các sản phẩm chúng tôi cung cấp.

Ông Chung Bá Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty TC Advisors.

Ông Chung Bá Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty TC Advisors.

Bên cạnh đó, mọi người đã ngừng chi tiêu cho những thứ như rượu, thuốc lá (đeo khẩu trang khó hút), du lịch, nhà hàng đắt tiền… từ đó có thêm tài chính cho những khoản quan trọng như chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm.

Trong khi đó, kinh tế suy giảm cũng khiến người dân có thu nhập thấp hơn. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy tổng phí bảo hiểm từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Canada, Mỹ không giảm nhiều và các thị trường châu Á vẫn đang tăng trưởng, tính đến 6 tháng đầu năm 2020 so với năm 2019.

Ngành bảo hiểm toàn cầu trở nên rất chuyên nghiệp với sự tư vấn bài bản và sản phẩm phù hợp cho khách hàng cùng tỷ lệ duy trì tốt. Quyền lợi bảo hiểm cũng được chi trả nhanh chóng, hiệu quả. Đây là lý do chính khiến ngành bảo hiểm toàn cầu tăng trưởng không chậm lại.

Trên thế giới, ngành bảo hiểm đã đi vào nề nếp, số hóa và tăng cường sử dụng công nghệ. Điều này cũng giúp đáp ứng và giải quyết các vấn đề của khách hàng trên mạng để giảm bớt tác động của việc lây lan Covid-19.

– Còn tại Việt Nam lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đang phát triển ở mức độ nào?

– Ở Việt Nam, thống kê từ đầu năm vẫn tăng trưởng. Nhưng theo tôi, thực tế từ lâu ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có thể trạng yếu ớt như “một người béo phì”.

Sau hơn 20 năm, bất chấp nỗ lực đầu tư của các công ty bảo hiểm, cái nhìn của người dân vẫn chưa thực sự cởi mở với ngành bảo hiểm nhân thọ. Điều đó khiến các công ty bảo hiểm vẫn phải tiếp tục đầu tư và chịu lỗ để phục vụ cho hoạt động marketing…

Ngoài ra, với các sản phẩm mà yếu tố tiết kiệm lớn và hoàn vốn dựa trên thị trường chứng khoán, khách hàng đã bị thiệt hại lớn. Chúng ta cần thắc mắc tại sao doanh số từ hợp đồng mới tăng chậm nhưng tỷ lệ hủy bỏ tiếp tục tăng nhanh.

– Các sản phẩm bảo hiểm đang được tích cực phân phối qua ngân hàng. Ông đánh giá sao về phương thức này?

– Các ngân hàng nói chung đã làm tốt hơn đại lý truyền thống nhiều với việc bán bảo hiểm đúng cách, dẫn đến tính bền vững cao hơn. Không có gì lạ khi các công ty bảo hiểm cạnh tranh để đưa ra các khoản trả trước lớn hàng trăm triệu USD để các ngân hàng có thể phân phối bảo hiểm thay cho họ. Covid-19 đang làm nổi bật các vấn đề về chất lượng đại lý kém và đang giúp các công ty tốt khác biệt hóa chính họ.

Các ngân hàng nói chung đều tập trung vào hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng như tiền gửi, thẻ cho vay và thanh toán, ngoại tệ… Họ có xu hướng xem bảo hiểm như một mảng kinh doanh phụ, không phải cốt lõi dù nó quan trọng đối với khách hàng.

Dịch bệnh khiến nhu cầu mua bảo hiểm tăng lên.

Dịch bệnh khiến nhu cầu mua bảo hiểm tăng lên.

Nhưng từ quan điểm khách hàng, bảo hiểm quan trọng hơn ngân hàng. Ví dụ, cha mẹ sẽ mua bảo hiểm bệnh hiểm nghèo để bảo vệ con cái của họ nhưng không mở tài khoản ngân hàng cho con. Các ngân hàng cần hiểu bảo hiểm từ quan điểm của khách hàng nhiều hơn và cung cấp sản phẩm chính xác.

– Làm thế nào để cải thiện những tồn tại của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ hiện nay?

– Đại dịch Covid-19 giúp thị trường nhận diện rõ hơn những khuyết điểm, một trong số đó là lãng phí vốn. Để hạn chế điều này, các công ty bảo hiểm cần ngừng chạy theo doanh số, mà dành nguồn lực để xây dựng hệ thống phân phối có chất lượng, thiết kế đúng sản phẩm và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đặc biệt là dịch vụ yêu cầu bồi thường…

Cùng với đó, ngành bảo hiểm cần quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng của các công ty bảo hiểm, tương tự như cách ngành ngân hàng quản lý nợ xấu. Chẳng hạn, nếu ngân hàng, chi nhánh nào quản lý nợ xấu không tốt thì sẽ không cho tăng trưởng tín dụng. Lý do yêu cầu các công ty bảo hiểm cần công khai tỷ lệ duy trì hợp đồng để khách hàng và cơ quan quản lý thấy được chất lượng kinh doanh của công ty đó. Sự minh bạch là yếu tố không thể thiếu đối với một thị trường bảo hiểm phát triển.

Đội ngũ TC Advisors.

Đội ngũ TC Advisors.

Với những công ty bảo hiểm có tỷ lệ duy trì hợp đồng thấp, cơ quan quản lý cần áp dụng các giải pháp cứng rắn như hạn chế tuyển dụng mới đại lý, văn phòng, chi nhánh hoặc khu vực cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để. Định kỳ sau mỗi 18 tháng, các chi nhánh và khu vực cần được xem xét lại tỷ lệ duy trì hợp đồng và chỉ loại bỏ các hạn chế nếu đạt tiêu chuẩn…

(Nguồn: TC Advisors)

TC Advisors (TCA) là công ty cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý tài chính và các dịch vụ gia tăng trong ngành tài chính tại Việt Nam. Doanh nghiệp có mặt tại thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2014.

Nguồn