Đề xuất một giá điện bằng giá bán lẻ bình quân

Chuyên gia cho rằng, với phương án một giá điện bán lẻ sinh hoạt nên bằng giá bán lẻ bình quân do mức này đã gồm chi phí, lợi nhuận ngành điện.

Đề xuất này được ông Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng nêu tại toạ đàm “Giá điện sinh hoạt, bao nhiêu bậc thì hợp lý và minh bạch” ngày 28/7.

Theo ông Lâm, hiện giá điện đang được xác định dựa váo bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24/2017, trên cơ sở tính đủ các chi phí đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý ngành…) nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư. Mức giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt đang áp dụng là 1.864,44 đồng một kWh.

Điểm bất cập trong cơ cấu tính giá điện bán lẻ bình quân, theo chuyên gia này là các cơ quan chức năng chỉ công bố tổng doanh thu và chi phí ngành nhưng không đưa ra tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc. Do đó, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt luỹ tiến chưa thể hiện sự minh bạch theo nguyên tắc “tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc phải cân bằng với tổng doanh thu của giá điện bình quân”. Đây cũng là nguyên nhân cốt lõi khiến người dân kêu ca việc phải đóng tiền điện cao.

Vì thế, theo các chuyên gia, việc thay đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và Bộ Công Thương không nên chần chừ thêm nữa.

Ông Ngô Đức Lâm đề xuất, “nên áp dụng một mức giá điện bán lẻ sinh hoạt bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh”, do giá bán lẻ điện bình quân đã gồm các chi phí, lợi nhuận của ngành điện.

Hoặc nếu áp dụng giá điện bậc thang luỹ tiến thì chỉ nên chia 3 bậc, thay vì 5 bậc theo đề xuất của Bộ Công Thương. Trường hợp 3 giá điện bậc thang sẽ gồm bậc thấp trợ giá cho người nghèo, nhóm bằng giá bán lẻ bình quân và nhóm bậc cao để điều hoà giá.

Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh ghi chỉ số điện trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Anh Minh

Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh ghi chỉ số điện trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Anh Minh

Trước đó, hồi đầu tháng 7, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ này cũng đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện, hoặc một giá hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Mức giá cụ thể với phương án một giá điện chưa được nhà chức trách công bố, song ông Vượng nói “sẽ được xây dựng dựa trên giá bán điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) và sẽ cao hơn mức này”.

Chia sẻ với VnExpress, ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, khi chuyển sang giá điện một bậc thì vấn đề lớn là “mức giá nào phù hợp”. Ông Sơn phân tích, nếu ở ngưỡng nằm giữa bậc giá 3-4 hiện nay (2.014-2.536 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT) thì trung hoà về mức độ chi trả khác nhau, nhưng khi đó người thu nhập thấp họ phải trả nhiều hơn người thu nhập cao.

Còn trường hợp đưa ra mức giá cao thì vai trò điện một giá lại không còn ý nghĩa vì “đằng nào chúng ta cũng phải trả mức giá cao nhất rồi”. Vì thế, phương án một giá điện ông Sơn nói “chỉ là phương án đề xuất, đem ra cân nhắc”.

“Bộ Công Thương khi tính toán sẽ phải thấy rất nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết, như cân bằng chi phí, thói quen tiêu dùng, chủ trương tiết kiệm điện; hay định hướng về sau khi nhập khẩu điện càng ngày càng nhiều sẽ giải quyết bài toán giá điện như thế nào”, ông Sơn góp ý.

Tại toạ đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài thay đổi cơ cấu biểu giá điện, Bộ Công Thương cần sớm đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh, giảm bớt thế độc quyền, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng của Bộ Chính trị về giá điện theo thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Ở khía cạnh này, ông Lâm cho rằng cũng cần soát xét lại toàn bộ cơ cấu giá thành điện, đảm bảo công khai, minh bạch, xem xét lại toàn bộ tính hợp lý của các chi phí đầu vào. “Chỉ khi có thị trường điện bán lẻ cạnh tranh mới đảm bảo công bằng, xoá độc quyền”, ông nói.

Theo kế hoạch, thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ bắt đầu thí điểm từ năm sau (2021) và dự kiến vận hành hai năm sau đó.

Anh Minh

Nguồn