Đậu biếc… liếc nếp ngự | Đời sống

Buổi sáng, người lối xóm qua ngõ bước chân hơi dùng dằng. Họ ngắm hoa, những bông hoa tím biếc còn đọng sương đêm ngời lên khi tia nắng sớm rơi vào. Mẹ nói vui, ngắm gì thì ngắm cho đã đi bà con, chứ 9 giờ tui hái đó nghen. Hoa đậu biếc hái vào tầm này là đúng “hệ”, vì hoa bung hết cánh, dâng hết vẻ nõn nà, phô hết nét xuân thì trong chiếc áo màu tím biếc đầy “hoài niệm”.

Dạo này nắng to, hoa đậu biếc phơi vài tiếng là khô, khỏi phải sấy như mùa đông. Em tôi, sinh viên từ phố về nghỉ hè, nhìn nia bông đậu đang phơi, nói: “Mẹ ơi, đậu biếc nó… liếc nếp ngự”.

Là nó muốn mẹ nấu xôi đậu biếc, món nó thích từ thuở tóc đuôi gà. Mẹ lườm con gái: “Đừng ỷ có ăn có học rồi chọc mẹ nghen, muốn ăn xôi thì nói cho rồi, bày đặt đậu biếc liếc này liếc nọ”.


Ăn miếng xôi “ngự” chả nghe mùi vua chúa gì, chỉ nghe phảng phất hương “bờ rào đậu biếc” thơm gần, hương đồng thơm xa

Mẹ xưa giờ vẫn vậy. Miệng thì “mắng”, mắt thì tươi, miệng thì cười rồi xăng xái vô buồng trong xúc nếp. Nhà luôn có sẵn khoảng chục ký nếp để dành dùng cho cúng giỗ, khách khứa. Tiện thể “khoe” chút, nếp nhà mình là nếp ngự, hạt to, tròn mẩy, dẻo thơm cực kỳ. Các cụ làng mình gọi là “danh nếp”, xưa hay chọn để tiến vua. Giống nếp này thật lạ là chỉ trồng được ở vùng Phổ Châu, Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Nơi khác lấy giống về trồng thì phẩm chất nếp ngự biến đâu mất, ăn giống như nếp thường thôi.

Em gái ngâm một nắm hoa đậu biếc vào nước nóng. Hoa tiết ra thứ nước xanh thẳm màu da trời. Mẹ ngâm đậu xanh, đãi vỏ rồi xóc đều với nếp kèm chút xíu muối. Trút nếp đã trộn đậu xanh vào nước hoa đậu biếc cho ngập luôn. Sau một buổi, hạt nếp trước đó trắng ngà giờ đổi sắc, hạt nào hạt nấy nhuốm màu lam dịu pha chút tím biếc, chỉ nhìn thôi đã nghĩ tới đĩa xôi ngon mắt.


Đậu biếc... liếc nếp ngự

Hoa đậu biếc

 ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN

Bao giờ mẹ cũng lót dưới đáy chõ một mớ lá dứa (lá nếp) trước khi hấp xôi. Nước sôi đánh thức lá, lá tỏa hương vào từng hạt nếp mềm mại. Xôi đã lừng hương nếp rồi giờ “bồi” thêm hương lá nếp nữa nên chõ xôi vừa mở nắp đã dậy mùi thơm ngào ngạt. Bác Hai hàng xóm có 5 con lít nhít hay nói mùi xôi đậu biếc có thể “triệu tập” mấy đứa nhỏ chơi sau vườn chạy vô nhà không sót một đứa.

Ăn xôi đậu biếc trước hết là ăn cái… sắc màu xanh lam đằm thắm và nền nã. Xưa, không biết ai đã nghĩ ra cách “chiết tách” màu từ bông hoa đậu biếc để nhuộm sắc xanh lam cho hạt nếp. Nhưng chắc chắn họ phải là những người vừa có khiếu thẩm mỹ vừa có kiến thức về dinh dưỡng. Màu lấy từ thực vật vẫn thanh sạch và lành tính hơn gấp nhiều lần màu tạo ra từ nguồn khác. Ngoài yếu tố “đẹp và lành”, mấy bác hưu trí còn mách nhau rằng “sắc tố” hoa đậu biếc có khả năng làm dịu hệ thần kinh. Đêm, đặt lưng xuống giường chưa đầy 15 phút đã vào giấc ngủ sâu. Riêng chị em thì rỉ tai nhau: “Nè biết chưa? Hoa đậu biếc có tác dụng dưỡng da đó nghen”. Tôi chợt “à” lên như một… phát hiện, hèn chi em gái tôi cứ đòi xôi đậu biếc. Mà da “ẻm” cũng đẹp đấy chứ: trắng pha hồng.

Xôi mà ăn kèm với muối mè thì “vào” lắm. Khi nếp thành xôi, nếp thăng hoa cả mùi lẫn vị. Ăn miếng xôi “ngự” chả nghe mùi vua chúa gì, chỉ nghe phảng phất hương “bờ rào đậu biếc” thơm gần, hương đồng thơm xa; cảm nhận rõ ràng mùi nếp ngòn ngọt, dìu dịu, thanh thanh, đọng lại rất lâu trên đầu lưỡi.

Một lần ăn món xôi đẹp này, tôi “trăn trở” với em gái, rằng hoa đậu biếc với nụ tầm xuân có phải là một? Em cười: “Anh cứ để nụ tầm xuân ngủ yên trong ca dao đi. Đấy là việc của các nhà… hoa học. Việc của anh em mình hiện tại là nhìn kìa, đĩa xôi đậu biếc nó… liếc anh em mình đó”.




Nguồn