CEO 12 tuổi tạo game dạy lập trình và AI miễn phí

Samaira Mehta năm nay 12 tuổi, là đồng sáng lập kiêm CEO CoderBunnyz, một chương trình dạy lập trình và AI miễn phí cho trẻ em tại Mỹ.

“Tôi quan tâm đến lập trình và mã hóa khi 6 tuổi. Lúc đó, cha tôi – một kỹ sư, đã chơi khăm tôi bằng một trò chơi”, Mehta nhớ lại.

“Trò chơi khăm” mà Mehta kể lại là một trò chơi khá đơn giản với giao diện là nút bấm “Press this if you’re beautiful”. Sau khi nhấn, thông điệp tiếp theo là “You are beautiful”. “Khi đó, trong đầu tôi liên tục đặt ra các câu hỏi rằng: Làm thế nào để điều đó xảy ra. Đây chính là điều thôi thúc tôi tìm hiểu về lập trình”, Mehta kể.

Samaira Mehta tại một hội thảo năm 2019. Ảnh: Cnet.

Samaira Mehta tại một hội thảo năm 2019, khi mới 11 tuổi. Ảnh: Cnet.

Cô bé 6 tuổi mang suy nghĩ của mình kể cho các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, hầu hết đều không có vẻ quan tâm và cũng không hiểu những gì Mehta nói. Cuối cùng, cô đã về gặp cha, nhờ ông chỉ cho mình những dòng code đầu tiên.

Năm 7 tuổi, Mehta đã tự tay phát triển trò chơi cờ CoderBunniz, kiêm thêm tính năng dạy các khái niệm mã hóa cơ bản. Hai năm sau, cô tiếp tục ra CoderMindz tập trung vào các nguyên tắc AI và tự gọi là “trò chơi AI đầu tiên trên thế giới”.

Tuy nhiên, người hỗ trợ Mehta sau đó không phải bố mà là mẹ – bà Monica, một người có bằng MBA. Cả hai đang hoạt động dưới danh nghĩa là đồng sáng lập CoderBunniz và CoderMindz.

“Bạn bè tôi không thích lập trình, nhưng đó là trước khi chơi CoderBunniz”, Mehta nhớ lại. “Lúc này, tôi nhận ra rằng cần đưa trò chơi trở nên phổ biến hơn để truyền cảm hứng. Tôi bắt đầu nghĩ đến các buổi hội thảo”.

Mehta bắt đầu làm hội thảo cho trẻ em tại các thư viện, trường học và một số công ty nhỏ. Tuy nhiên, cô bé nói với mẹ rằng mình muốn làm gì đó lớn hơn và được ủng hộ. Hai game sau đó được gửi đến một số tổ chức và công ty nổi tiếng. Walmart và Facebook là hai cái tên lớn hợp tác, tặng game cho các thư viện và trường học trên toàn thế giới.

Tiếp đó, Mehta sáng lập “Yes, 1 Billion Kids Can Code” – một sáng kiến nhằm mục tiêu một tỷ trẻ em có thể lập trình từ lúc này đến khi cô tốt nghiệp Đại học (khoảng năm 2030). Để sớm hiện thực hóa mục tiêu trên, CEO 12 tuổi đã cung cấp chương trình giảng dạy mã hóa và AI miễn phí trực tuyến trên toàn thế giới.

“CoderBunnyz đang giúp rất nhiều trẻ em có thể lập trình mà không cần học nhiều”, một phụ huynh cho biết. Một người khác đánh giá rằng, đây là “trò chơi nhẹ nhàng, đưa người chơi vào những ý tưởng cơ bản nhưng hữu ích về lập trình”.

Mehta mới đây còn đưa ra sáng kiến mới có tên Boss Biz – chương trình dạy trẻ em cách tạo ra một doanh nghiệp cơ bản, hợp tác với nhiều doanh nhân trên toàn cầu. Với chương trình này, cô bé muốn ai cũng có thể trở thành CEO, miễn là có đam mê và biến các ý tưởng thành hiện thực.

Mehta hiện là diễn giả chính trong hơn 150 hội thảo về mã hóa cho trẻ em tại các công ty nổi tiếng, như Google, Microsoft và Intel. CEO 12 tuổi cũng phát biểu tại hơn 50 hội nghị, bao gồm Triển lãm Di động Toàn cầu (MWC) – sự kiện thường niên diễn ra tháng 2 hàng năm tại Barcelona (Tây Ban Nha), quy tụ hàng nghìn doanh nghiệp về thiết bị và giải pháp di động.

Với hầu hết hội thảo, điều Mehta muốn nhắm đến là các phụ huynh nên “suy nghĩ lại” về cách con em mình tiếp cận lập trình, cũng như quan tâm đến STEM – viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Maths (toán học). Giáo dục STEM được hiểu là trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

“Tôi ước mình có thể tự nhân bản mình để có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, tổ chức nhiều hội thảo hơn, thực hiện nhiều chương trình dạy lập trình miễn phí hơn”, Mehta nói với Cnet.

Theo CEO 12 tuổi này, niềm hạnh phúc nhất chính là khi mọi người yêu thích sản phẩm của mình và có thể tự tay viết được những dòng code đầu tiên. Tuy nhiên, Mehta thừa nhận độ tuổi chính là rào cản cô đến với thế giới.

“Tuổi tác đang là vấn đề lớn nhất tôi gặp phải. Mọi người nghĩ tôi trẻ con. Trong đầu họ luôn tồn tại câu hỏi, rằng ‘Đứa trẻ 12 tuổi thì có thể làm được gì’, ‘Liệu có nên tin tưởng những gì một đứa trẻ con nói không’ và nhiều thứ khác”, Mehta chia sẻ. “Tôi cho rằng, tuổi tác chỉ là con số. Bất kỳ ai cũng đều làm được điều gì đó có ích nếu họ theo đuổi mục tiêu và chăm chỉ”.

Với các thành tích của mình, Mehta được Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama gửi thư khen ngợi. Trong tương lai, CEO 12 tuổi cho biết sẽ tập trung đến máy tính và xây dựng ngày càng nhiều dự án hỗ trợ trẻ em tìm hiểu về lập trình và AI.

“Tôi là một cô gái bình thường”, Mehta nói về chính mình. “Tôi chỉ chọn làm những công việc hướng tới mục tiêu phi thường”.

Bảo Lâm

Nguồn