Các nước giàu sắp gánh núi nợ công

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nhóm này gánh thêm ít nhất 17.000 tỷ USD nợ công trong cuộc chiến chống hậu quả của Covid-19.

Nợ công của các nước trong OCED đã tăng thêm 28% GDP trong khủng hoảng tài chính 2008 – 2009, tương đương 17.000 tỷ USD. “Với năm 2020, tác động kinh tế từ Covid-19 được dự báo còn lớn hơn”, báo cáo tuần trước của OECD cho biết. Tổ chức này có gần 40 thành viên, thường được gọi là “câu lạc bộ của các nước giàu” do bao gồm hàng loạt quốc gia phát triển.  

Nợ công trung bình của các nước trong tổ chức này được dự báo tăng từ 109% GDP lên hơn 137% GDP năm nay, khiến nhiều nước có mức nợ công tương đương Italy. Khối nợ tăng thêm này tương đương mỗi người trong 1,3 tỷ dân các nước OECD gánh 13.000 USD nợ. Con số này cũng có thể tăng cao nếu đà phục hồi kinh tế chậm hơn các nhà kinh tế học dự báo.

Nhiều chính phủ đã tung biện pháp kích thích tài khóa năm nay, từ tương đương 1% GDP như Pháp đến 6% GDP như Mỹ. Tuy nhiên, tác động từ các chính sách này vẫn sẽ bị lấn át bởi sức tăng mạnh của nợ công, do doanh thu thuế thường giảm nhanh hơn cả hoạt động kinh tế trong trường hợp suy thoái sâu.

Nợ trên GDP của chính phủ các nước thuộc OECD được dự báo tăng vọt năm nay. 

Nợ trên GDP của chính phủ các nước thuộc OECD được dự báo tăng vọt năm nay. 

Randall Kroszner – cựu thống đốc Fed – cho biết tình hình này làm dấy lên câu hỏi về mức độ bền vững của nợ công và nợ tư nhân cao. “Chúng ta phải đối mặt với sự thật khắc nghiệt rằng nền kinh tế sẽ không hồi phục theo hình chữ V”, ông nói.

Một thập kỷ trước, các nhà kinh tế học còn cho rằng nợ công sẽ không bền vững nếu vượt 90% GDP. Dù ngày nay, phần lớn các nhà phân tích không cho rằng đây là ranh giới rõ ràng, rất nhiều người vẫn tin nợ công tăng cao sẽ đe dọa chi tiêu tư nhân và kéo tụt tăng trưởng.

Tổng thư ký OECD Angel Gurría cảnh báo nợ công tăng mạnh sẽ là vấn đề trong tương lai, dù cho rằng các nước không nên lo lắng về tài khóa của mình khi khủng hoảng đang ở đỉnh điểm. “Chúng ta cảm thấy nặng gánh vì đang cố bay lên khi phải mang theo rất nhiều nợ”, ông nói.

Hậu quả là, rất nhiều quốc gia có thể đối mặt với tình trạng tương tự Nhật Bản sau khủng hoảng tài chính thập niên 90 tại đây. Nợ công và thâm hụt ngân sách lớn là đặc trưng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cho đến tận bây giờ, với nợ công hiện ổn định 240% GDP dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.

Việc ngân hàng trung ương các nước mua lại nợ công có thể giảm nhẹ gánh nặng bằng cách giúp khối tư nhân không phải hấp thụ tài sản công để giảm thâm hụt ngân sách. Việc này cũng sẽ giữ lãi suất ở mức thấp, do lợi suất trái phiếu sẽ giảm khi giá tăng.

Các nền kinh tế tiên tiến vốn đang hưởng lợi từ lãi suất cực thấp khi vài tuần qua, ngân hàng trung ương các nước mua lại tài sản ở mức kỷ lục, nhằm giữ lạm phát không giảm xuống dưới mục tiêu. Lợi suất trái phiếu của Anh tuần trước cũng đã xuống âm, tương tự các quốc gia như Đức và Pháp.

Các chính phủ có thể giảm nợ bằng cách tăng thuế hoặc giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, rất ít chính phủ muốn làm điều này sau gần một thập kỷ thắt lưng buộc bụng. Các nhà kinh tế học cũng cảnh báo việc này có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực với tăng trưởng.

Một lần nữa, bài học từ Nhật Bản được nhắc lại. Dù ông Abe nổi tiếng với các chính sách kích thích kinh tế, ông cũng đã nâng thuế 2 lần trong nhiệm kỳ của mình, từ 5% lên 8% năm 2014 và sau đó lên 10% năm ngoái. Trong cả hai lần, Nhật Bản đều rơi vào suy thoái.

Adam Posen – Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết các nghị sĩ Anh tuần này cũng đã quyết định cần phải tránh hậu quả như vậy. “Điều quan trọng là phải giúp nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng của nợ”, ông nói.

Dù hiện tại chưa có cách đơn giản nào giúp các nước tiên tiến thoát tình trạng nợ công và nợ tư nhân khổng lồ, Kroszner cho biết chính sách tốt nhất là xóa và tái cơ cấu nợ “thật khéo léo”. Nếu làm đúng, các chủ nợ có thể vẫn sẽ thiệt hại, nhưng họ chấp nhận vì nó không lớn như dự báo và vẫn có quyền hy vọng khoản nợ sau này sẽ được hoàn trả.

Hà Thu (theo FT)

Nguồn