Các công ty làm quen mô hình làm việc hỗn hợp thế nào

[ad_1]

Giai đoạn đầu khi mới áp dụng làm việc từ xa, có công ty cắt cử “quản đốc online” để đảm bảo mọi người đều đang tập trung làm việc.

Chia sẻ trong toạ đàm trực tuyến ngày 7/10 trên VnExpress, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT, cho biết Hybrid Workplace (mô hình hỗn hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng) không phải mới sinh ra trong đại dịch. Tuy nhiên, Covid-19 đã đẩy nhanh tiến độ, buộc các công ty phải thích nghi.

Ông Tú lấy ví dụ ở FPT hơn một năm trước, khi dịch bệnh mới bùng phát ở Việt Nam, có những thời điểm tập đoàn tưởng chừng không thể vượt qua các khó khăn khi môi trường làm việc của nhân viên bị thay đổi hoàn toàn.

“Trước đại dịch, chúng tôi có những đội ngũ IT hỗ trợ khách hàng luôn làm việc trong môi trường yên tĩnh, lắng nghe các yêu cầu để hỗ trợ rành mạch, chi tiết. Nhưng khi làm việc ở nhà, họ phải chia sẻ không gian với vợ chồng, con cái. Rất khó tập trung làm việc liên tục 4-5 tiếng, làm việc nhóm cũng vô cùng gian nan”, ông Tú kể. Thời gian đó, tập đoàn thậm chí yêu cầu tất cả nhân viên phải mở camera và có một “quản đốc online” đảm bảo mọi người đang tập trung làm việc chứ không sao nhãng sang việc khác.

“Nhưng năm nay, mọi thứ thay đổi. Công ty không còn lựa chọn nào khác, bản thân các nhân viên cũng tự thay đổi để thích nghi, năng suất lao động được cải thiện. Việc quản lý dựa trên hiệu quả công việc chứ không tính bằng thời gian làm việc như truyền thống”, vị Giám đốc công nghệ chia sẻ.

Bốn diễn giải trong CTO Talks ngày 7/10 trên Vnexpress bàn về mô hình làm việc mới đang được hình thành ra sao.

Bốn diễn giải trong CTO Talks ngày 7/10 bàn về mô hình làm việc mới đang được hình thành ra sao.

Tương tự, ông Phạm Quang Cường, đồng sáng lập Eureka Robotics có trụ sở tại Singapore, nói: “Thời điểm này một năm trước, có lẽ những câu mọi người nói và nghe nhiều nhất là ‘anh có nghe rõ tôi nói không’, ‘chị tắt mic đi để khỏi ồn được không’. Còn bây giờ, mọi người đã quen với làm việc từ xa. Về mặt công nghệ, không có gì cản trở Hybrid Workplace trở thành mô hình làm việc trong tương lai”.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tam, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Asanzo, nhận định trong lĩnh vực sản xuất, việc áp dụng mô hình Hybrid Workplace gặp nhiều thách thức hơn. Người lao động vẫn phải đến nhà máy để duy trì sản xuất, vận hành dây chuyền. Chỉ nhóm nhân viên văn phòng và bộ phận công nghệ có thể làm việc từ xa.

“Công ty phải sắp xếp cho nhân viên làm việc ba tại chỗ, tiêm vaccine và lên kế hoạch đưa đón công nhân để giữ an toàn, đảm bảo tâm lý cho người lao động”, ông Tam cho hay.

Á hậu Quốc tế Thúy Vân cũng chia sẻ về thách thức trong lĩnh vực truyền thông giải trí: “Khi giãn cách xã hội, mọi người hay hình dung về một người đang ôm máy tính, làm việc bên bể bơi, bãi biển thơ mộng. Nhưng hiện thực chúng ta đối mặt không phải thế. Đa số phải làm việc trong nhà với không gian chật hẹp”.

Theo Thúy Vân, với việc sáng tạo nội dung, các nghệ sĩ cần nhiều không gian, bối cảnh để ghi hình. Nhưng khi làm việc ở nhà, tất cả đều biến mất. Họ cũng không còn được hỗ trợ về trang điểm, trang phục… Thậm chí nghệ sĩ phải tự quay rồi gửi video cho đội ngũ hậu kỳ. “Khi làm việc từ xa, mọi người phải tải video lên hệ thống rồi tải về, muốn trao đổi gì cũng qua màn hình, mất rất nhiều thời gian”, Á hậu kể.

Tuy nhiên sau một năm, đa số đều đã thích nghi. “Điều tích cực là các nghệ sĩ đã tìm thêm nhiều kênh khác nhau để tương tác với khán giả. Mọi người cũng được ‘phổ cập’ công nghệ. Giờ đây ai cũng có thể chủ động sáng tạo nội dung mà không còn phụ thuộc vào ekip hỗ trợ”, Thuý Vân nói.

Tương tự, trong lĩnh vực sản xuất, ông Tam cho biết dù có khó khăn ban đầu, mô hình làm việc mới khiến mọi người thay đổi nhiều, tính tự giác cao hơn, làm việc khoa học hơn. Ông lấy ví dụ, trước đây nhân viên thường đi lại trong nhà máy để lấy nguyên vật liệu một cách tự phát, không theo trật tự. Trong đại dịch, để hạn chế tối đa tiếp xúc, họ phải đi theo lộ trình được thiết kế riêng với dây chuyền, máy móc hỗ trợ, xác nhận bằng chữ ký số để nhận đơn hàng, đưa vào sản xuất. Tất cả đều được số hóa với năng suất lao động cao hơn.

“Công ty từng phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuê chuyên gia hướng dẫn cho công nhân các quy trình tư động hóa. Nhưng giờ mọi người tự ý thức được việc này, tự học hỏi nhau mà không cần áp lực nào từ ban quản lý. Đó là nền tảng quan trọng cho việc áp dụng Hybrid Workplace trong tương lai”, ông Tam nói.

Làm việc từ xa sẽ là bình thường mới

Ông Phạm Quang Cường cho biết văn phòng của công ty ở Singapore và Pháp vẫn áp dụng mô hình lai kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát và cơ quan chức năng cho 100% nhân sự có thể quay lại văn phòng.

“Làm việc từ xa sẽ là bình thường mới, chỉ những ai thật sự cần thiết mới phải đến trụ sở công ty. Thậm chí, đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để tuyển dụng nhân sự hậu Covid”, ông Cường nói.

Đại diện Eureka Robotics cho rằng ngoài kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, các doanh nghiệp giờ còn có thêm một tiêu chí là ứng viên có tố chất để làm việc từ xa hiệu quả không. Theo ông, những tố chất này thể hiện trong tinh thần tự giác, năng động và có thể tự cân bằng cuộc sống, để sẵn sàng làm việc từ xa trong thời gian dài.

Đứng từ góc độ quản lý, các khách mời của CTO Talks đều cho rằng rất khó nói trước tương lai. Nhưng khi mọi thứ trở lại bình thường, cách thức con người làm việc, giao tiếp với nhau cũng sẽ khác đi rất nhiều.

Điều này đến từ hai yếu tố. Thứ nhất là trong thời gian đại dịch, mọi người đã quen với phương thức làm việc mới và đã tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết. Thứ hai, cả tổ chức và người lao động đều nhận thấy lợi ích mà mô hình Hybrid Workplace mang lại. Do đó, các lãnh đạo doanh nghiệp đều tin đây sẽ là mô hình làm việc mới trong tương lai.

Mô hình làm việc trong giai đoạn mới

Toạ đàm trực tuyến về mô hình làm việc trong giai đoạn mới.

Khương Nha

[ad_2]