Bốn sự thật về Facebook bị nhân viên cũ phơi bày

[ad_1]

Sau gần 2 năm giữ vai trò quản lý tại Facebook, Frances Haugen đã tiết lộ nhiều bí mật của mạng xã hội này.

Haugen, 37 tuổi, đã xuất hiện trong chương trình 60 Minutes của WSJ ngày 3/10 và điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10 để phản đối cách vận hành và cơ chế hiển thị thông tin ưu tiên theo lượt tương tác của công ty cũ.

Frances Haugen trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10. Ảnh: Reuters

Frances Haugen trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10. Ảnh: Reuters

Cơ chế của Facebook cho phép lan truyền thông tin sai lệch

Theo tài liệu nội bộ do Haugen công bố, những phát ngôn gây thù hận và thông tin sai lệch trên mạng xã hội không bị Facebook ngăn chặn, thậm chí làm ngơ để tiếp tục tồn tại. Tài liệu cũng mô tả “một trong những cơ chế sản phẩm cốt lõi của Facebook là khuyến nghị về độ lan truyền và tối ưu hóa để tương tác”. Điều này lý giải vì sao các phát ngôn gây sốc hoặc tạo sự chú ý thường trở nên thịnh hành.

Một tài liệu có tựa đề “Ảnh tự chụp có tác dụng gì trong cuộc bầu cử” và “Liệu Facebook có khen thưởng cho sự phẫn nộ của dư luận không” cho thấy, thuật toán của nền tảng “thưởng” cho bài đăng về nhiều chủ đề như âm mưu gian lận bầu cử bằng cách lan truyền nhanh hơn để chúng nhận nhiều lượt thích và chia sẻ hơn.

Theo Haugen, mạng xã hội này xếp hạng nội dung dựa trên sự tương tác, như lượt thích, bình luận… Facebook cũng từng thừa nhận trước công chúng rằng xếp hạng dựa trên mức độ tương tác rất nguy hiểm nếu không có hệ thống bảo mật toàn vẹn. Họ cũng đã xây dựng một số biện pháp để giảm thiểu nguy hiểm cho nền tảng, nhưng không có cách gì để đưa hệ thống đó đến hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới.

Facebook giải quyết thông tin sai lệch một cách hạn chế

Có ít nhất hai tài liệu được Haugen tiết lộ cho thấy, Facebook chỉ loại khoảng 3-5% nội dung gây thù ghét và dưới 1% nội dung bị coi là bạo lực hoặc kích động bạo lực. Sự hạn chế này là do khối lượng thông tin quá lớn trên nền tảng, khiến thuật toán của mạng xã hội đánh giá khó khăn, nhất là khi cần phải xét đến ngữ cảnh của từng tình huống.

Đối với cuộc bầu cử Mỹ 2020 và cuộc bạo loạn đồi Capitol ngày 6/1, những thông tin sai lệch lan truyền gần như không bị ngăn chặn bởi cơ chế can thiệp của Facebook. Một lưu ý trong tài liệu nói rằng, “việc cưỡng chế các trang đăng hơn 2 tin sai lệch trong 67 ngày qua sẽ làm ảnh hưởng tới ít nhất 277.000 trang, 11.000 trong đó tái phạm nhiều lần”.

Theo Haugen, bất chấp tuyên bố của Facebook rằng họ “xóa nội dung khỏi nền tảng, bất kể ai đăng nội dung đó, khi nó vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng” thông qua công cụ kiểm tra chéo XCheck, trong nhiều năm qua, nhiều fanpage, hồ sơ người dùng vẫn được XCheck “miễn cưỡng chế”. Thậm chí, một lãnh đạo Facebook nói “chỉ sẵn sàng hành động nếu như mọi thứ đã rơi vào tình trạng tồi tệ”.

Facebook tảng lờ tác động tiêu cực với trẻ vị thành niên

Hồi tháng 3, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, các nghị sĩ hỏi liệu nền tảng của Facebook có gây hại cho trẻ em hay không, CEO Mark Zuckerberg nói: “Tôi không tin có chuyện đó”.

Tuy nhiên, theo các khảo sát nội bộ của Facebook được Haugen đưa ra, có tới 13,5% người dùng nữ ở tuổi vị thành niên trên Instagram nói nền tảng này khiến họ nghĩ về “tự tử và tự gây thương tích”, 17% nói mạng xã hội gây các vấn đề như chứng chán ăn. Nhiều cô gái tuổi teen thừa nhận sử dụng Instagram khiến họ bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, trung bình cứ 3 người thì có 1 người cảm thấy “hình ảnh cơ thể trở nên tồi tệ hơn” khi dùng các nền tảng Facebook.

Không chỉ tác động đến tinh thần của nữ giới, Instagram cũng khiến nhiều nam giới tuổi teen gặp vấn đề. Trong nghiên cứu về sức khỏe tâm lý từ năm 2019, chuyên gia của Facebook đã biết có 14% thanh thiếu niên tại Mỹ nói Instagram khiến họ tự ti về bản thân.

Facebook không ngăn cản việc ‘khai thác’ con người

Một trong các quy tắc Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook là sẽ loại bỏ nội dung có liên quan đến khai thác và lợi dụng con người. Tuy nhiên, tài liệu nội bộ lại phản ánh điều ngược lại. Các nền tảng, đặc biệt là trên Instagram, đã hình thành thị trường chợ đen tuyển dụng người giúp việc gia đình, nhưng thực chất sau đó nạn nhân sẽ bị mua bán hoặc trao đổi trái phép. Đây cũng là kết quả điều tra BBC đã thực hiện năm 2019 nhưng bị Facebook bác bỏ.

“Chúng ta đang thực thi kém hiệu quả đối với các hoạt động liên quan đến lạm dụng thân thể con người trên nền tảng”, một tài liệu có tên “Công việc theo dõi vùng Trung Đông” nêu. “Kết quả điều tra chứng minh, các nền tảng đã cho phép ba giai đoạn của vòng đời khai thác con người, gồm tuyển dụng, tạo điều kiện, khai thác”.

Ngoài ra, hồ sơ cũng nhấn mạnh những kẻ buôn người đã tận dụng các nền tảng của Facebook, từ trang cá nhân, fanpage, hội nhóm… làm “đại lý” tuyển dụng.

Bảo Lâm (theo CNN)

[ad_2]