‘An ninh năng lượng phụ thuộc lớn vào điện than’

Tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng nhanh trong cơ cấu sản xuất điện, song an ninh năng lượng quốc gia hiện vẫn phụ thuộc lớn vào điện than.

Ngày 17/9, tại diễn đàn Công nghệ & năng lượng Việt Nam 2020, ông Lê Hải Đăng – Trưởng ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong cơ cấu điện sản xuất, nhiệt điện than hiện chiếm hơn 54,2%, tương đương 88,2 tỷ kWh. Thuỷ điện gần 24% (khoảng 39 tỷ kWh), tua bin khí là 15,2%, ứng với 25 tỷ kWh.

Các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời…) chỉ chiếm khoảng 4,4% cơ cấu điện sản xuất, còn lại các nguồn nhiệt điện dầu, nhập khẩu và nguồn năng lượng khác… là 2,3%.

Theo ông Đăng, các dự án nguồn điện truyền thống công suất lớn chậm tiến độ, kéo sang giai đoạn sau năm 2020 như Sông Hậu 1 (1.200 MW), Thái Bình 2 (1.200 MW), Long Phú 1 (1.200 MW)… khiến dự phòng hệ thống suy giảm, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Vừa qua, lượng lớn dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) được đưa vào vận hành, đến hết tháng 7 tổng công suất lắp đặt gần 6.000 MW, nhưng thực tế sản lượng huy động mỗi ngày lên hệ thống chỉ khoảng 1.200 MW, tương đương một nhà máy nguồn điện truyền thống.

Với tỷ trọng hơn một nửa trong cơ cấu điện sản xuất, ông Đăng cho rằng, an ninh năng lượng hiện phụ thuộc lớn vào nhiệt điện than. “Nhiệt điện than huy động với biểu đồ tương đối bằng phẳng với tính ổn định cao, giá hợp lý”, Trưởng ban Chiến lược phát triển EVN nhận xét.

Báo cáo tại phiên giải trình trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về phát triển điện năng hồi đầu tháng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng “điện than không phải tội đồ để bị loại bỏ”. Nhưng nguồn điện này sẽ được tính toán giảm dần tỷ trọng trong quá trình lập quy hoạch điện VIII về mức 36-37% trong cơ cấu nguồn điện và sẽ không có chuyện bổ sung ồ ạt các dự án điện than mới.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình khi cho rằng điều kiện hiện nay và vài thập kỷ tới, “vai trò điện than vẫn cần thiết, chưa thể giảm hoặc thay thế được”.

Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 do PVN làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, chưa thể vận hành theo kế hoạch. Ảnh: Hoài Thu.

Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 do PVN làm chủ đầu tư bị chậm tiến độ, chưa thể vận hành theo kế hoạch, tháng 7/2019. Ảnh: Hoài Thu.

Tuy nhiên, ông Đinh Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho rằng, trong xu hướng phát triển năng lượng nói chung, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp bách chuyển dịch dần từ các nguồn năng lượng truyền thống, hoá thạch như than, dầu, khí tự nhiên… đang cạn kiệt sang các nguồn năng lượng tái tạo, khí LNG và xa hơn là hydro từ nguồn năng lượng tái tạo. Việc này sẽ giúp đa dạng hóa, tránh cơ cấu nguồn điện phụ thuộc vào một nguồn năng lượng duy nhất.

Nhắc tới sự phát triển nguồn năng lượng mới như năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời), ông Phúc cho rằng, hai năm qua loại hình này đã phát triển rất xa so với mục tiêu quy hoạch ban đầu. Chẳng hạn, năm 2019, tỷ trọng sản lượng điện từ các nguồn điện gió, mặt trời, từ 0,79 tỷ kWh vào 2018 lên 6,1 tỷ kWh năm 2019, tăng gấp 7,7 lần và chiếm 2,64% sản lượng điện sản xuất và mua của EVN.

“Sự phát triển quá nóng điện mặt trời đã gây ra tắc nghẽn lưới truyền tải ở một số khu vực. Nên quy hoạch điện VIII tới đây đòi hỏi phải có sự đồng bộ hơn giữa nguồn và lưới điện”, ông Phúc nhận xét.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Hải Đăng nhìn nhận, việc phát triển nhanh của điện mặt trời, gió vừa qua là thách thức trong vận hành hệ thống điện. Chưa kể, công suất phát của loại hình năng lượng này không ổn định, khó dự báo chính xác và chỉ phát trong khoảng thời gian 6h-18h hàng ngày, đạt đỉnh vào 12h trưa, nên đòi hỏi hệ thống điện phải có dự phòng điều tần lớn.

Ông Đăng dẫn chứng, có thời điểm nguồn điện năng lượng tái tạo phát lên lưới tới 1.000-1.500 MW một tiếng, đồng nghĩa hệ thống điện cũng phải có nguồn dự phòng tương ứng để đảm bảo tính ổn định hệ thống điện.

“Hiện lượng huy động từ một số nguồn như thuỷ, nhiệt điện lớn, hệ thống vẫn còn dự phòng về nguồn, nhưng tương lai nếu tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo vào hệ thống, đòi hỏi có thêm các giải pháp kỹ thuật”, ông Đăng chia sẻ.

Trưởng ban Chiến lược kinh doanh EVN cho hay, ngoài đẩy nhanh đầu tư xây dựng gấp một số công trình lưới truyền tải điện, tập đoàn cũng thuê tư vấn nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cần có ứng với các mức độ tăng dần của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện.

Trước xu hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo, ông Đinh Thế Phúc đề xuất, cần triển khai Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng để đảm bảo tính đồng bộ, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Ngoài ra, quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương xây dựng cần nêu rõ cơ cấu nguồn điện, đảm bảo phát triển hài hoà, tránh hiện tượng tắc nghẽn lưới, lệch pha giữa quy hoạch và thực tế thực hiện, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo như vừa qua.

Ông Phúc cũng đề nghị, nhà chức trách cần sớm đưa ra cơ chế giá mới cho điện mặt trời, điện gió sau thời điểm 31/12/2020 khi giá FIT ưu đãi kết thúc.

Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực & năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, thay vì giá FIT như hiện tại. Theo đó, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là đơn vị đưa ra giá bán điện từ dự án năng lượng tái tạo thấp nhất.

“Thực hiện cơ chế này tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn các nhà đầu tư, tránh xin cho trong quá trình đầu tư”, ông Tuấn Anh nói.

Anh Minh

Nguồn