Ấn Độ ngăn nhà mạng dùng thiết bị của Huawei, ZTE

Chính phủ Ấn Độ đang ngăn cản các hãng viễn thông trong nước mua thiết bị mạng từ Huawei và ZTE.

SCMP cho biết động thái của chính phủ Ấn Độ được đưa ra sau các cuộc đụng độ quân sự Trung – Ấn tại biên giới. Trước đó, căng thẳng giữa hai nước là một trong những nguyên nhân khiến 59 ứng dụng Trung Quốc bị cấm tại Ấn Độ.

Huawei sắp gặp khó tại Ấn Độ bởi căng thẳng Trung - Ấn. Ảnh: News24.

Huawei sắp gặp khó tại Ấn Độ bởi căng thẳng Trung – Ấn. Ảnh: News24.

Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ còn đang xem xét hủy các hợp đồng viễn thông hiện có giữa Mahanagar Electrical Nigam và Bharat Sanchar Nigam, hai doanh nghiệp viễn thông thuộc sở hữu nhà nước, với các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei và ZTE.

Nguồn tin còn tiết lộ, Bộ Truyền thông Ấn Độ đã tiếp cận các công ty viễn thông tư nhân đang hoạt động tại nước này, gồm Bharti Airtel, Reliance Jio Infocomm và Vodafone Idea. Trong các cuộc gặp mặt, nội dung chủ yếu là khuyến cáo các công ty không nên sử dụng thiết bị mạng từ Trung Quốc.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Truyền thông Ấn Độ khuyến khích gắn bó với mạng 4G hiện tại, đồng thời tăng chất lượng băng thông lên cao hơn. Họ cũng có thể chọn các giải pháp mới từ bên ngoài nhưng không phải từ Trung Quốc, miễn là phù hợp với tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu.

Ấn Độ được đánh giá là nơi có thị trường viễn thông phát triển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Huawei và ZTE hiện là hai trong số các công ty cung cấp thiết bị viễn thông chính cho các nhà mạng tại nước này. Riêng Huawei đang nằm trong đội ngũ tham gia thử nghiệm mạng 5G thế hệ mới.

Trước đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng chính thức chỉ định Huawei và ZTE là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Điều này đồng nghĩa rằng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công ty công nghệ Mỹ sẽ không thể sử dụng nguồn tiền trợ cấp của chính phủ thông qua Quỹ dịch vụ toàn cầu để mua các thiết bị hạ tầng của hai hãng này. Trong quá khứ, Huawei và ZTE cũng nhiều lần bị Mỹ cáo buộc dùng mạng viễn thông để do thám. Tuy nhiên, cả hai đều phủ nhận.

Bảo Lâm

Nguồn