Abenomics sẽ về đâu khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?

Chiến lược kích thích kinh tế Abenomics của ông Shinzo Abe đã gặp khó trước cả khi ông tuyên bố từ chức chiều nay vì lý do sức khỏe.

Sau khi đắc cử cuối năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe triển khai Abenomics – nhóm chính sách kinh tế gồm nới lỏng tiền tệ, nới lỏng tài khóa và cải tổ cấu trúc quy mô lớn. Mục tiêu là hồi sinh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau hàng thập kỷ tăng trưởng chậm và giảm phát.

Kế hoạch này đã có một số thành công nhanh chóng. Chương trình kích thích khổng lồ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã kéo niềm tin kinh doanh lên cao, góp phần khiến đồng yen yếu đi, giúp các hãng xuất khẩu Nhật Bản có thêm lợi nhuận, tăng lương và tạo thêm việc làm.

Cải tổ quản trị doanh nghiệp cũng giúp nước này thu hút lượng lớn dòng tiền từ nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại với cổ phiếu niêm yết tại Nhật Bản cũng lên kỷ lục 31,7% năm 2014, so với 28% năm 2012. Năm ngoái, con số này là 29,6%.

Dù vậy, giới quan sát tại Nhật Bản nhận định Abenomics đã lao đao từ lâu. Sự xuất hiện của đại dịch có thể đã đặt dấu chấm hết cho chương trình này, khi nền kinh tế bị nhấn chìm vào suy thoái.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức chiều nay. Ảnh: Yonhap

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức chiều nay. Ảnh: Yonhap

Việc ông Abe từ chức trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 9/2021 sẽ khiến người kế nhiệm phải giải quyết rất nhiều công việc dang dở. “Dù ai làm thủ tướng, ưu tiên hiện tại sẽ là kiểm soát đại dịch và hồi phục kinh tế”, Takeshi Minami – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho biết, “Có nhiều ý kiến cho rằng Abenomics đang gây ra tác động tiêu cực. Vì thế, tôi cho rằng tâm điểm chú ý sẽ là các đề xuất sửa đổi chương trình này”.

“Abenomics đã thất bại trong việc tạo ra một môi trường trong nước có thể giúp Nhật Bản tăng trưởng cao, thay vì dựa vào nhu cầu bên ngoài”, Brian Kelly – Giám đốc tại Asian Century Quest nhận xét. Covid-19 đã quét sạch những lợi ích ngắn hạn mà Abenomics đem lại, như bùng nổ du lịch, tăng trưởng hồi phục và tạo ra nhiều việc làm.

Bên cạnh đó, ông Abe chưa thể khuyến khích các công ty tăng chi tiêu, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tích trữ được núi tiền mặt lớn. Số tiền này có thể làm bộ đệm thanh khoản để vượt qua cú sốc mà đại dịch mang lại.

Tuy nhiên, trải nghiệm lần này cũng có thể khiến họ càng có lý do tích trữ tiền, thay vì chi cho việc tìm cơ hội kinh doanh mới. Việc này có thể bóp nghẹt khả năng đột phá và gây thêm sức ép lên tăng trưởng của Nhật Bản trong tương lai. Đây chính là những vấn đề ông Abe muốn giải quyết thông qua thay đổi cấu trúc – mũi tên thứ 3 trong Abenomics.

“Covid-19 có thể khiến các lãnh đạo doanh nghiệp thêm tin tưởng rằng tiền mặt là vua”, Hideo Hayakawa – nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo nhận định, “Tôi sợ rằng các công ty có thể còn tiết kiệm hơn”.

Các chính sách giãn cách xã hội và những rào cản khác về kinh doanh khi kiềm chế đại dịch cũng có thể kìm hãm tăng trưởng trong dài hạn. Tăng trưởng tại Nhật Bản vốn đã thấp do chậm giải quyết các vấn đề trong ngành dược phẩm, nông nghiệp và cấp phép cho lao động nước ngoài.

BOJ ước tính tăng trưởng của Nhật Bản, vốn từng vượt 4% thập niên 80, thì năm ngoái đã về sát 0%. Khi Abenomics mới được áp dụng, tốc độ này vẫn quanh 1%.

“Cải tổ cấu trúc là thất bại của Abenomics”, Samuel Tombs – kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics nhận xét, “Kể cả chính sách cải cách nhập cư của chính phủ năm ngoái cũng gần như không thực hiện được”.

Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào cuộc thử nghiệm của Abenomics nhằm đảo ngược “tâm lý giảm phát” tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp và hộ gia đình nước này vẫn kiềm chế chi tiêu do kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ thấp và lương giữ nguyên.

GDP Nhật Bản giảm kỷ lục trong quý II, về 507.000 tỷ yen (4.800 tỷ USD). Mức này chỉ tương đương năm 2013 và kém xa mục tiêu 600.000 tỷ yen của ông Abe.

“Kinh tế Nhật Bản lẽ ra đã có thể tốt hơn sau Abenomics. Nhưng chính sách này không đủ để thay đổi mạnh tâm lý của người dân”, Yoshiki Shinke – kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận xét, “Khi đại dịch xuất hiện, chúng ta có thể sẽ thấy tăng trưởng giảm mạnh nữa. Khi rất nhiều di sản của Abenomics bị quét sạch, chẳng đũa thần nào hiện tại có thể giải quyết các vấn đề cố hữu tại Nhật Bản đâu”.

Bên cạnh đó, BOJ trước đó đã áp dụng gần như toàn bộ biện pháp có thể để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách sẽ đối mặt với thách thức hồi sinh nền kinh tế khi đã cạn kiệt công cụ.

Khối nợ khổng lồ của Nhật Bản cũng hạn chế khả năng họ chi tiêu tài khóa lớn. Giới phân tích cho rằng việc này sẽ khiến kinh tế chỉ phục hồi ở mức yếu. “Nhật Bản đã thất bại trong việc bình thường hóa chính sách tiền tệ và tài khóa khi nền kinh tế cải thuện”, Takahide Kiuchi – cựu lãnh đạo BOJ nhận xét, “Hiện tại, Nhật Bản đang phải trả giá”.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguồn