[ad_1]
Khủng hoảng nội bộ Big Tech, 5G vẫn chưa phổ biến, liên tiếp các vụ “sập mạng”… là những sự kiện công nghệ tiêu cực trong 12 tháng qua.
Thông tin sai lệch ở khắp mọi nơi
Tin tức sai sự thật là vấn đề lớn của năm 2020 và vẫn tiếp diễn trong năm nay, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, công nghệ cho tới y tế. Trong đó, theo CNet, số lượng tin giả liên quan đến vaccine lan rộng dẫn đến việc tiêm chủng bị đình trệ.
Phần lớn các thông tin sai lệch được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến, như Facebook, Twitter và YouTube. Vụ bạo loạn đồi Capitol đầu năm được cho là xuất phát từ mạng xã hội. Các thông điệp của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng “cuộc bầu cử bị đánh cắp” trên Facebook, Twitter khiến đám đông nổi giận và gây ra cuộc hỗn loạn. Sau sự cố, Facebook và Twitter cấm Trump hoạt động trên nền tảng của họ. Ông cũng ra mắt một số mạng xã hội của riêng mình nhưng chưa thành công.
Phản ứng chậm chạp của mạng xã hội trước sự lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt là về vaccine ngừa Covid-19, khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 7 nói Facebook “giết người”. Ông sau đó rút lại tuyên bố, nhưng vẫn nhấn mạnh Facebook phải có hành động quyết liệt hơn nhằm đối phó, gỡ bỏ tin giả.
Bê bối Facebook
Không chỉ tin giả, Facebook còn dính nhiều bê bối khác, đỉnh điểm là những tiết lộ chấn động của cựu nhân viên Frances Haugen, được giới truyền thông gọi là Hồ sơ Facebook. Từ tháng 9, bà phơi bày một loạt thông tin nội bộ của công ty cũ trên các báo hàng đầu ở Mỹ, xoay quanh việc Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn là kiểm soát thông tin sai lệch, thuật toán xếp hạng thúc đẩy sự thù hận và chia rẽ, Instagram tác động tiêu cực đến người dùng trẻ… Nghiên cứu của chính Facebook cho thấy khoảng 360 triệu người nghiện Facebook.
Ngoài Haugen, một số cựu nhân viên khác cũng đứng ra tố cáo, như Sophie Zhang nói sẵn sàng điều trần về mạng xã hội, thậm chí cho biết bà cảm thấy như “bàn tay dính máu” khi làm việc ở Facebook. Một người khác nói công ty cũ hai mặt và thường có sự khác biệt giữa các tuyên bố công khai trên truyền thông và việc ra quyết định nội bộ.
Giữa tranh cãi, công ty Facebook bất ngờ tuyên bố đổi tên thành Meta, đặt mục tiêu phát triển vũ trụ ảo metaverse. Một số chuyên gia cho rằng công ty chọn tên mới nhằm né tránh bê bối.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng
Tác động của đại dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng châu Á từ đầu năm, nhất là khu vực có nhiều nhà máy sản xuất như Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ. Tình trạng thiếu chip nghiêm trọng khiến việc xuất xưởng và giao các sản phẩm, từ smartphone, laptop, máy chơi game cho đến đồ gia dụng, linh kiện ôtô đều bị trì hoãn nhiều tuần so với trước.
Sản lượng máy chơi game Switch thiếu 20% so với kế hoạch sản xuất ban đầu của Nintendo. Xiaomi thừa nhận hạn chế về nguồn cung khiến họ phải cắt giảm sản xuất 20 triệu smartphone. Apple, vốn nổi tiếng về khả năng làm chủ chuỗi cung ứng, thông báo nhiều sản phẩm không thể kịp giao vào Giáng sinh. Cuối tháng 10, CEO Apple Tim Cook nói công ty thiệt hại 6 tỷ USD do thiếu chip và chuỗi cung ứng chậm trễ vì đại dịch.
Intel cho biết khủng hoảng chip nhiều khả năng kéo dài đến năm 2023. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy mình gặp những thách thức như vậy”, Jason Chen, Chủ tịch kiêm CEO Acer, nói. “Kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành chưa đủ. Chưa ai có kinh nghiệm đối phó với vấn đề phức tạp này trước đây và không ai biết cách để xử lý sao cho đúng nhất”.
Hàng loạt hệ thống lớn bị sập
Đầu tháng 6, hàng loạt trang web lớn như Reddit, Amazon, CNN, Paypal… bị sập hàng giờ đồng hồ. Nguyên nhân được xác định là trục trặc từ máy chủ của mạng lưới phân phối nội dung dựa trên điện toán đám mây phổ biến nhất thế giới của Fastly. Giới chuyên gia đánh giá đây là sự cố về mạng lớn nhất từ trước tới nay của các trang web và dịch vụ kể trên.
Ngày 4/10, hàng loạt dịch vụ như Facebook, Instagram, Messenger, Whatsapp… không thể truy cập trên mọi các nền tảng và ở nhiều khu vực trên toàn cầu, kéo dài trong suốt 6 tiếng đồng hồ. Mạng xã hội sau đó xác nhận nguyên nhân là do sai sót khi thay đổi cấu hình bộ định tuyến.
Hôm 9/12, một sự cố khác được đánh giá nghiêm trọng nhất năm đã xảy ra với Amazon Web Services – nền tảng điện toán đám mây được nhiều hệ thống công nghệ thông tin lớn trên toàn cầu sử dụng. Theo WSJ, vấn đề làm gián đoạn hoạt động giao hàng của Amazon và bên thứ ba, các dịch vụ như Disney+, Netflix và Ticketmaster. Một số thiết bị an ninh như camera Amazon Ring, nền tảng Alexa và các sản phẩm smarthome dùng AWS cũng bị ngắt kết nối. Amazon sau đó xin lỗi và thừa nhận sự cố ảnh hưởng đến “lượng lớn khách hàng”.
Big Tech đối phó với nhân viên
Kể từ năm 1976 đến nay, Apple luôn hoạt động theo cùng một kiểu: các giám đốc điều hành ra quyết định về cách thức hoạt động, nhân viên nghe theo hoặc rời khỏi công ty. Họ không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trong năm nay, văn hóa đó bắt đầu mất tác dụng khi người lao động đòi hỏi nhiều quyền hơn, đứng ra tổ chức cuộc cải cách nội bộ và phản ánh về điều kiện làm việc trên Twitter. Apple đang đối mặt với phong trào #AppleToo, trong đó các nhân viên yêu cầu công ty phải thay đổi văn hóa giữ bí mật – thứ được cho là cổ xuý cho các hành động tiêu cực như quấy rối tình dục, phân biệt đối xử.
Trong khi đó, Google hứng chịu hàng loạt chỉ trích vì các chính sách làm việc từ xa “đạo đức giả” của mình. Nhiều nhân viên cho biết sự cạnh tranh về chuyển nhượng và viễn cảnh cắt giảm lương đã gây ra sự tức giận trong nội bộ công ty ngày càng tăng. Một số đã chọn nghỉ việc do không chịu được áp lực.
Nhân viên Amazon cũng phản ánh điều kiện lao động cứng nhắc, tình trạng bị phân biệt đối xử, bị trừ lương và các khoản thu nhập khác dù số lượng công việc gia tăng. Hàng trăm người cho biết đã cảm thấy thất vọng, kiệt sức và chọn cách nghỉ việc, trong khi số khác đình công để phản đối điều kiện làm việc.
Sự cố bảo mật ngày càng gia tăng
Trong năm nay, các vụ tấn công ransomware tăng mạnh. Hồi tháng 5, nhà điều hành đường ống dẫn nhiên liệu hàng đầu Mỹ Colonial Pipeline phải đóng toàn bộ mạng lưới sau cuộc tấn công mã độc tống tiền. Giám đốc điều hành công ty sau đó thừa nhận phải chi 4,4 triệu USD cho hacker để hệ thống tiếp tục hoạt động. DarkSide, nhóm tin tặc chuyên tấn công ransomware, được cho là thủ phạm.
Đầu tháng 6, công ty cung cấp thịt JBS cho biết hệ thống máy chủ của họ ở Bắc Mỹ và Australia bị nhiễm mã độc, “làm trì hoãn một số giao dịch nhất định với khách hàng và nhà cung cấp”. REvil, nhóm tội phạm mạng khét tiếng, bị FBI nghi ngờ đứng sau vụ hack này.
Vào tháng 8, dữ liệu cá nhân của 54 triệu người Mỹ đang là khách hàng của nhà mạng T-Mobile, gồm tên và số an sinh xã hội, bị đánh cắp. Vụ hack được đánh giá ở mức nghiêm trọng bởi dữ liệu có thể bị lợi dụng để mở thẻ tín dụng, gian lận khai thuế hoặc đăng ký giấy phép lái xe theo tên nạn nhân.
Theo báo cáo về các mối đe dọa an ninh mạng của FortiGuard Labs hồi tháng 9, phạm vi tấn công bằng ransomware và các mã độc khác đang ngày càng mở rộng, một phần do nhiều người phải làm việc, học tập từ xa. Thống kê cho thấy, mức độ hoạt động trung bình hàng tuần của mã độc tống tiền trong tháng 6 cao gấp 10 lần giai đoạn này năm ngoái.
5G vẫn chưa phổ biến
Mạng di động thế hệ thứ 5 được đánh giá là bước nhảy vọt về công nghệ để thay đổi cuộc sống nhờ vào tốc độ cao, ổn định. Giới chuyên gia dự đoán, 2021 sẽ là năm 5G bùng nổ ở tất cả các lĩnh vực, đồng thời thay thế 4G. Tuy vậy, đến nay mạng 5G mới chỉ được áp dụng hạn chế tại hầu hết quốc gia. Các ứng dụng thực tiễn được kỳ vọng như thành phố thông minh, ôtô tự lái… chưa thực sự phổ biến.
Hiện Trung Quốc là quốc gia đi đầu về triển khai 5G. Tuy vậy, tình trạng thiếu chip trong ngành công nghiệp bán dẫn và sự ảnh hưởng của Covid-19 khiến việc xây dựng hạ tầng mạng di động thế hệ thứ 5 giảm mạnh. Mỹ đang đẩy mạnh cuộc đua 5G nhưng nước này mới chỉ xây dựng khoảng 50.000 trạm, trong khi tốc độ mạng tại đây không quá cao, thậm chí bị đánh giá không khác biệt so với mạng 4G LTE.
Bảo Lâm (theo Cnet)
[ad_2]