Nokia 9 PureView
Ra mắt tháng 3/2019, điện thoại Nokia 9 PureView được kỳ vọng “hâm nóng” tên tuổi Nokia trên thị trường di động nhờ trang bị hệ thống năm camera ở mặt sau, ống kính Zeiss, công nghệ chụp ảnh PureView trứ danh, tính năng gộp năm ảnh làm một khi chụp… Thế nhưng, nó nhanh chóng đáp lại bằng sự thất vọng: ứng dụng máy ảnh hoạt động chậm, khả năng xử lý kém, ảnh sai lệch so với thực tế, chụp đêm tệ. Nokia 9 PureView chìm vào quên lãng sau vài tháng xuất hiện.
Máy quét vân tay siêu âm
Samsung Galaxy S10 và Note10 là những thiết bị đầu tiên tích hợp khả năng quét vân tay siêu âm (Sense ID). Với tính năng quét 3D bằng sóng siêu âm, cảm biến do Qualcomm sản xuất được đánh giá có ưu điểm vượt trội so với máy quét quang học (Clear ID) về bảo mật, tốc độ, độ chính xác và ổn định. Thế nhưng, việc quét vân tay trên smartphone Samsung không như kỳ vọng, như khó nhận diện trong lần quét đầu tiên, quá trình đăng ký dấu vân tay tốn thời gian hơn…
Nghiêm trọng hơn, công nghệ cảm biến vân tay siêu âm gặp sự cố với tấm dán màn hình do bên thứ ba sản xuất, tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng có thể mở khóa thiết bị. Lỗi nghiêm trọng đến mức nhiều ngân hàng trên thế giới đã ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các chủ sở hữu Galaxy S10 và Note10. Samsung được cho là đang cân nhắc dừng sử dụng Sense ID.
Smartphone gập chưa phổ biến
2019 được dự đoán là năm bùng nổ về smartphone màn hình gập, khi hàng loạt nhà sản xuất điện thoại như Samsung, Huawei, Xiaomi, Oppo, Motorola… khoe các mẫu thử của mình. Tuy vậy, chỉ vài hãng tung ra sản phẩm thương mại, nhưng cũng vấp phải nhiều vấn đề. Galaxy Fold của Samsung phải chỉnh sửa thiết kế nhiều lần trước khi bán vào tháng 11, Mate X của Huawei gặp khó vì không được dùng dịch vụ Google và cũng bị trì hoãn để sửa chữa. Motorola Razr (2019) được đánh giá tích cực hơn, mức giá dễ chịu hơn như hiện chỉ bán giới hạn tại Mỹ.
Điều hướng cảm ứng
Đầu năm nay, một số hãng smartphone đưa tính năng điều hướng cảm ứng vào sản phẩm. Ví dụ, LG G8 với Air Motion có thể dùng cử chỉ để điều khiển, như vẫy tay sang phải hoặc trái để chạy ứng dụng, xoay ngón tay để tăng giảm âm lượng. Google cũng trang bị chip phía trên màn hình Pixel 4 để phát hiện các chuyển động. Họ còn phát triển một dự án tham vọng khác là Soli, cho phép vẫy tay trong không khí để điều khiển thiết bị thông minh (video trên). Tuy vậy, việc ứng dụng thực tế của tính năng điều khiển cảm ứng vẫn hạn chế, cả về mặt kỹ thuật lẫn sự đón nhận của người dùng.
Google Stadia
Stadia là dự án chơi game qua nền tảng điện toán đám mây, ra mắt tháng 3/2019, cho phép người dùng trải nghiệm các trò chơi bom tấn, có đồ họa “khủng” trên smartphone hay máy tính cấu hình thấp do toàn bộ quá trình xử lý được thực hiện trên máy chủ của Google. Tuy nhiên, sau gần một năm có mặt trên thị trường, dịch vụ này nhận phản hồi tiêu cực, trong đó có việc “kén” thiết bị, hoạt động chập chờn, độ trễ cao (thậm chí lên đến bốn giây, rất lớn khi chơi game). Ngoài ra, chất lượng hình ảnh thấp thay vì 4K như lời hứa của Google khiến game thủ thất vọng.