4 điểm du lịch tìm hiểu lịch sử ở Hà Nội

Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn miếu Quốc tử giám, Cột cờ Hà Nội là 4 di tích khách du lịch có thể đến tham quan.

Nhà tù Hỏa Lò

Hỏa Lò được người Pháp xây dựng ở Hà Nội từ năm 1896 với tên gọi “Maison Central” hay nhà pha Hỏa Lò. Nhà tù là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng chống lại chế độ thực dân. Đây là một trong những công trình kiên cố bậc nhất Đông Dương thời điểm đó. Sau ngày giải phóng thủ đô, nhà tù Hỏa Lò do chính quyền cách mạng quản lý. Từ năm 1963 đến 1975, Hỏa Lò giam giữ những phi công Mỹ bị quân đội Việt Nam bắn rơi máy bay trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Nhà tù Hỏa Lò nằm trên con phố cùng tên. Ảnh: Ngọc Thành.

Nhà tù Hỏa Lò nằm trên con phố cùng tên. Ảnh: Ngọc Thành.

Ngày nay, nhà tù Hỏa Lò nằm trên con phố cùng tên ở quận Hoàn Kiếm là địa danh lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Tại đây lưu giữ nhiều tư liệu quý giá được trưng bày và giữ gìn cẩn thận như: Vật dụng của các thượng nghị sĩ Mỹ, giường bệnh – nơi điều trị cho các phi công, dụng cụ có từ thời trung cổ được dùng để xử tử các chiến sĩ yêu nước bị giam cầm…

Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò mở cửa từ 8h – 17h tất cả các ngày, kể ngày lễ, Tết.

Hoàng thành Thăng Long

Theo giới thiệu trên website Hoàng thành Thăng Long, đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Năm 2002, các chuyên gia tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại quận Ba Đình, Hà Nội đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Hoàng thành Thăng Long lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Ảnh: Ngọc Thành.

Hoàng thành Thăng Long lưu giữ nhiều hiện vật quý giá. Ảnh: Ngọc Thành.

Công trình Hoàng thành Thăng Long được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Nơi đây vẫn còn những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ 7 đến thế kỷ 9), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 -1 945).

Đến Hoàng thành, du khách có thể thăm quần thể các di tích như: Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, cửa Bắc – một trong năm cổng của thành Hà Nội dưới thời Nguyễn, nhà D67 – nơi Bộ quốc phòng, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đưa ra những quyết định lịch sử.

Năm 2010, Ủy ban di sản thế giới công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới. Du khách có thể đến thăm Hoàng thành Thăng Long từ 8h – 17h00 các ngày thứ ba đến chủ nhật.

Văn miếu – Quốc tử giám

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 đời Lý Thánh Tông. Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu, là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý. Năm 1156, Lý Anh Tông cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, thu nhận con thường dân có thành tích xuất sắc. Đời Trần Minh Tông, nhà giáo Chu Văn An được cử làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Khổng Tử.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ là nơi giới thiệu và tôn vinh nền giáo dục Việt Nam gắn với các danh nhân, trí thức tiêu biểu của đất nước.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám gắn với các danh nhân, trí thức tiêu biểu của đất nước.

Năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ từ khoa thi 1442 trở đi. Mỗi khoa, một tấm bia đặt trên lưng rùa. Năm 1762, Lê Hiển Tông cho sửa lại là Quốc Tử Giám – cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình.

Ngày nay, Văn miếu – Quốc tử giám là điểm đến quen thuộc để các sĩ tử cầu may mỗi mùa thi, người dân, khách du lịch tới xin chữ lấy may đầu năm.

Văn miếu – Quốc Tử Giám mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần, mùa Hè (từ 15/4 – 15/10) từ 7h30 -18h, mùa Đông (thời gian còn lại) từ 8h – 17h.

Cột cờ Hà Nội

Di tích cột cờ Hà Nội (còn gọi là Kỳ đài) nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội. Cột cờ được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ Hà Nội cao hơn 33m, phần thân cột hình trụ tám cạnh, thu nhỏ dần từ dưới lên trên.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cột cờ Hà Nội được sử dụng như một pháo đài kiên cố, nơi phát hỏa pháo chiến đấu. Từ năm 1894 – 1897, người Pháp lấy cột cờ làm đài quan sát, đặt trạm thông tin liên lạc.

Cột cờ Hà Nội là điểm đến được du khách yêu thích. Ảnh: Tạp chí Thế giới Di sản.

Cột cờ Hà Nội là điểm đến được du khách yêu thích. Ảnh: Tạp chí Thế giới Di sản.

Cách mạng tháng Tám thành công, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh cột cờ. Hình ảnh cột cờ Hà Nội được in trên đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lần phát hành đầu tiên.

Năm 1989 cột cờ Hà Nội được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Cột cờ hơn 200 năm tuổi ngày nay nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, là một điểm đến khách du lịch yêu thích khi đến Hà Nội.

Di tích Cột cờ Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa từ 8h – 16h30 từ thứ ba đến chủ nhật.

Nguyễn Lê

Giải chạy đêm quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội – VnExpress Marathon Hanoi Midnight diễn ra vào đêm 22/8 đến rạng sáng 23/8, mang tới nhiều trải nghiệm độc đáo. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để vận động viên và người thân, bạn bè cùng khám phá nét đẹp, văn hoá về đêm của Thủ đô. Chương trình do báo điện tử VnExpress và UBND TP Hà Nội cùng Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) phối hợp tổ chức. Tìm hiểu và đăng ký chạy tại đây.

Năm 2020, ngoài giải chạy Marathon Hanoi Midnight, VnExpress sẽ tổ chức các giải chạy VnExpress Marathon Huế ngày 6/9 và VnExpress Marathon Quy Nhơn ngày 26/7.

Nguồn