[ad_1]
Hà NộiBị cáo Nông Văn Lư, lái xe của Công ty Nhật Cường, khai “choáng” với bản án sơ thẩm buộc khắc phục 10 tỷ đồng tiền buôn lậu, trong khi người hưởng lợi là ông chủ Bùi Quang Huy.
Sáng 29/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo Lư cùng 10 người trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường và kháng nghị của VKSND Hà Nội. HĐXX triệu tập Công ty Nhật Cường với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan song không ai tới tòa.
Trong chừng 15 phút trình bày, tài xế Lư nhiều lần nói, tòa sơ thẩm tuyên số tiền bồi thường quá lớn nên bị cáo lập tức kháng cáo. “Bị cáo hoảng loạn đến mức chỉ kháng cáo về phần dân sự mà quên luôn trách nhiệm hình sự. Bởi thế hôm nay mong được HĐXX xem xét giảm thêm cả hình phạt 7 năm cho bị cáo”, Lư nói.
Lư khai chỉ là lái xe, làm công ăn lương, chuyên vận chuyển hàng và không được hưởng lợi “một đồng nào” từ tiền buôn lậu của công ty. Khi đưa hàng về kho, Lư không được ai yêu cầu xuất trình hoá đơn. Chỉ khi nào lãnh đạo giao nhận hàng, Lư mới làm và cũng không được cầm hoá đơn, chứng từ kèm theo.
“Nội dung kháng cáo của bị cáo là gì?”, cùng một câu hỏi của HĐXX, Lư và bốn bị cáo trả lời thẩm vấn đều cho biết xin giảm nhẹ hình phạt và mong được miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả.
Trình bày đầu tiên, Phó tổng giám đốc Nhật Cường Trần Ngọc Ánh cho hay giữ nguyên kháng cáo, ban đầu đã có tư tưởng chấp nhận bản án sơ thẩm song suy nghĩ lại thấy “hơi nặng” nên xin giảm nhẹ.
Ông Ánh vừa dứt lời, chủ toạ Ngô Tự Học hỏi: “Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo có gì sai không?”. Bị cáo Ánh đáp: “Không ạ”. Ông Ánh thừa nhận không bị oan và không có tình tiết xin giảm nhẹ mới so với toà sơ thẩm. Tuy nhiên, bị cáo Ánh mong HĐXX xem xét khi đã ăn năn hối cải, tích cực hỗ trợ cơ quan điều tra sớm kết thúc điều tra. Hơn nữa, gia đình ông có công với cách mạng, hoàn cảnh khó khăn nên “dù chỉ một ngày, một tuần được hưởng khoan hồng cũng tốt”.
Về dân sự, vị phó tổng giám đốc cho rằng tiền thu lợi bất chính đều đổ về Công ty Nhật Cường. Cơ quan điều tra cũng thu hồi nhiều tài sản của Nhật Cường nên người phải chịu trách nhiệm bồi thường là Tổng giám đốc Bùi Quang Huy và công ty chứ không phải “những người làm công ăn lương như các bị cáo đứng đây”.
Là người duy nhất bị cáo buộc hai tội danh, giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc thừa nhận phạm tội Buôn lậu song mong toà phúc thẩm xem xét lại tội Vi phạm quy định về kế toán. Ngọc cho hay ở Nhật Cường bộ phận tài chính và kế toán hoàn toàn tách biệt, không liên quan. Ngọc chỉ phụ trách tài chính và dòng tiền của Nhật Cường. Việc làm báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế do kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng đảm nhiệm.
Tại Nhật Cường có hai phần mềm quản lý sổ sách, thu chi là ERP và MISA. Ngọc cho biết phần mềm ERP do ông chủ Huy “sáng tác” để dùng riêng trong công ty, tất cả nhân viên được cấp quyền ghi chép trên đó. Ngọc chỉ sử dụng một phần chức năng trên phần mềm này để phục vụ công việc tài chính của mình.
“Hàng hoá mua vào bán ra có kê khai tài chính để nộp thuế không?”, chủ toạ hỏi. Ngọc đáp “không phụ trách” mà do kế toán trưởng Hằng làm. Việc gửi báo cáo thuế, tài chính đến các cơ quan có thẩm quyền, bị cáo Hằng tự làm và thống nhất với tổng giám đốc Huy, Ngọc khai.
“Bị cáo nghĩ gì khi mình là giám đốc tài chính nhưng lại không liên quan đến kế toán?”, chủ toạ hỏi. Ngọc “xin một lần nữa được nhắc lại rằng ở Nhật Cường kế toán và tài chính không liên quan đến nhau”.
Ngọc khai chỉ làm khâu cuối cùng, nghĩa là làm thanh toán khi hàng đã về kho. “Bản án sơ thẩm quá nặng, mong toà minh oan cho hành vi vi phạm quy định kế toán của bị cáo. Tuy nhiên nếu toà vẫn kết tội, bị cáo cũng xin chịu”, Ngọc nói.
Theo bản án sơ thẩm, từ 2014 đến tháng 5/2019, Công ty Nhật Cường mua 2.502 đơn hàng với 254.364 sản phẩm của nhiều chủ hàng tại nước ngoài. Công ty không nhập khẩu điện thoại qua đường chính ngạch mà chi 72,9 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển trái phép từ Hong Kong về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hoá và chi phí tiền công vận chuyển hơn 3.000 tỷ đồng, thu lợi hơn 221 tỷ đồng.
Các hoạt động mua bán hàng hoá từ nước ngoài của Nhật Cường không có hoá đơn nên bị coi là buôn lậu. Huy còn chỉ đạo nhập nhiều số liệu trên phần mềm để theo dõi nội bộ mà không đưa vào báo cáo thuế. Hành vi này bị xác định gây thiệt hại cho nhà nước gần 30 tỷ đồng.
Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc bị phạt 14 năm tù về 2 tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Ngọc và Hằng nộp sung công quỹ nhà nước gần 30 tỷ đồng gây thiệt hại, trong đó Ngọc 16 tỷ, Hằng hơn 13 tỷ.
Ở nhóm tội Buôn lậu, toà phạt ông Ánh 13 năm tù. 11 người còn lại từ 4 đến 9 năm tù.
Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên toà tuyên buộc 13 bị cáo phạm tội Buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lời bất chính này. Cụ thể, ông Ánh nộp 69 tỷ đồng, Ngọc 40 tỷ, Lư 10 tỷ và những bị cáo còn lại từ hơn một tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.
Liên quan vụ án này, VKSND Hà Nội ra kháng nghị, đề nghị toà phúc thẩm xét xử vụ án theo hướng đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhật Cường phải nộp lại 221 tỷ đồng thu lợi bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước mà không buộc 13 bị cáo phạm tội Buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản này.
Phiên toà dự kiến kéo dài ba ngày.
11 kháng cáo, gồm: Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Nhật Cường; Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Bán hàng; Nông Văn Lư, nhân viên; Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple; Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng và Lê Hoài Phương, nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc); Ngô Tuấn Sửu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn; Nguyễn Bảo Trung, Ngô Đức Tùng, Phạm Văn Hiệp, đều lao động tự do.
3 người còn lại của vụ án không kháng cáo là Bùi Quốc Việt, nhân viên Công ty Nhật Cường; Trần Tất Khoa, Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc và lao động tự do Đỗ Văn Dũng.
[ad_2]