[ad_1]
Chính phủ cần ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trước năm 2022, triển khai thống nhất, không để lúng túng, bị động, bất ngờ.
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, được Quốc hội khóa XV thông qua với 96% đại biểu tán thành, sáng 13/11.
Về lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổng kết việc thực hiện các giải pháp, chống dịch thời gian qua, xây dựng chiến lược trong thời gian tới. Trước ngày 1/1/2022, Chính phủ cần ban hành Chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; thực hiện hiệu quả, thống nhất chiến lược này với các kịch bản cụ thể sát tình hình.
Nghị quyết cũng yêu cầu sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chống dịch; hoàn thiện cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực chống dịch; đẩy mạnh xã hội hóa, kết hợp công – tư trong chống dịch.
Một số loại trang thiết bị, vật tư y tế, kit xét nghiệm sẽ được xem xét đưa vào danh mục quản lý, bình ổn giá. Quốc hội yêu cầu ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 với cơ sở y tế tư nhân. Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ được nâng cấp thành luật, trong đó có nội dung về dịch bệnh.
Đầu năm 2022, Việt Nam phấn đấu hoàn thành tiêm chủng cho tất cả dân số từ 18 tuổi; ưu tiên tiêm sớm cho người từ 50 tuổi; nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba. Trong năm 2022, các đơn vị sớm xem xét cấp phép sản xuất vaccine trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ vaccine.
Năm 2022, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác chống dịch, đảm bảo minh bạch.
Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đề xuất hỗ trợ kịp thời người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được hỗ trợ.
Chính phủ khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước; trong năm 2021, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc phân bố lại dân cư, lao động trên toàn quốc; đào tạo lại nguồn nhân lực; vấn đề nhà ở cho công nhân…
Các cơ quan xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm; đảm bảo an sinh xã hội các địa phương, nhất là những nơi có người lao động hồi hương; có giải pháp giữ chân và thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc…
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đã có 134 đại biểu tham gia đặt câu hỏi; trong đó 12 đại biểu chất vấn Thủ tướng; 24 đại biểu tham gia tranh luận với các Bộ trưởng, trưởng ngành. Qua 2,5 ngày, tổng số có 171 lượt ý kiến phát biểu tại nghị trường.
Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn là: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Các Phó thủ tướng, Bộ trưởng khác đã tham gia giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.
[ad_2]