Những nữ samurai từng gieo kinh hoàng trên chiến trường

[ad_1]

Các nữ samurai Nhật được huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ như nam giới, thậm chí từng chỉ huy trận mạc và đem lại những chiến thắng vang dội.

Trong khi công chúng thế giới thường cho rằng samurai của Nhật Bản vốn chỉ gồm đàn ông, các nữ samurai, còn được gọi là onna-bugeisha, trên thực tế đã song hành cùng nam giới suốt nhiều năm, với sức mạnh và mức độ hiệu quả trong tác chiến không hề thua kém.

Tiêu chuẩn đánh giá và nhiệm vụ dành cho nữ samurai tương tự nam giới. Ngoài ra, họ được huấn luyện để sử dụng loại vũ khí thiết kế riêng cho nữ có tên naginata, là một cây gậy dài với lưỡi cong nhọn ở đầu, giúp họ giữ thăng bằng tốt hơn.

Nữ samurai thuộc tầng lớp võ sĩ cao quý tại Nhật Bản, vốn tồn tại từ rất lâu trước khi thuật ngữ samurai được sử dụng. Từ thế kỷ 12 đến 19, những phụ nữ thuộc tầng lớp võ sĩ đều được dạy nghệ thuật chiến đấu và cách sử dụng naginata, chủ yếu để bảo vệ bản thân và gia đình.

Một trong những nữ samurai đầu tiên là Hoàng hậu Jingu, người đóng vai trò nhiếp chính điều hành nước Nhật sau khi chồng qua đời. Vào năm 200, bà đích thân tổ chức và chỉ huy trận đánh vào bán đảo Triều Tiên, ba năm sau trở về trong chiến thắng.

Tranh vẽ Hoàng hậu Jingu đặt chân đến bán đảo Triều Tiên của tác giả Tsukioka Yoshitoshi. Ảnh: Bảo tàng Đại học Waseda.

Tranh vẽ Hoàng hậu Jingu đặt chân đến bán đảo Triều Tiên của tác giả Tsukioka Yoshitoshi. Ảnh: Bảo tàng Đại học Waseda.

Bất chấp quan niệm truyền thống phổ biến tại Nhật Bản là phụ nữ xếp sau nam giới, phải phục tùng và ở nhà chăm sóc gia đình, những phụ nữ như Hoàng hậu Jingu vẫn được phép trở thành ngoại lệ. Họ được đánh giá mạnh mẽ, độc lập và được khuyến khích chiến đấu bên cạnh các nam samurai.

Sau khi Hoàng hậu Jingu mở đường, Tomoe Gozen, một nữ samurai khác, cũng dần vươn lên nắm vị trí quan trọng. Từ năm 1180 đến 1185, cuộc chiến tranh giành quyền lực nổ ra giữa hai gia tộc cai trị Nhật Bản là Minamoto và Tiara. Gia tộc Minamoto cuối cùng chiến thắng, dẫn đến sự thành lập Mạc phủ Kamakura. Tomoe Gozen là nhân tố chủ chốt mang lại thắng lợi cho phe Minamoto.

Được đánh giá xuất chúng hơn cả Hoàng hậu Jingu, Tomoe Gozen sở hữu kỹ năng đáng kinh ngạc trên chiến trường, cũng như trí tuệ đỉnh cao. Khi chiến đấu, cô thường thể hiện khả năng cưỡi ngựa và bắn cung điêu luyện, đồng thời sử dụng thành thạo katana, thanh trường kiếm truyền thống của samurai.

Ngoài chiến trường, Tomoe Gozen cũng là một người đầy uy quyền. Các binh lính đều nghe lệnh và tin tưởng tài năng của cô. Sau khi tham gia chính trị, danh tiếng của Tomoe Gozen nhanh chóng lan rộng khắp Nhật Bản. Không lâu sau, người đứng đầu gia tộc Minamoto phong Tomoe Gozen làm tướng quân.

Tomoe Gozen không gây thất vọng. Năm 1184, cô chỉ huy 300 samurai tham chiến với 2.000 lính của gia tộc Tiara và là một trong 5 người sống sót. Cùng năm đó, trong trận Awazu, nữ tướng của nhà Minamoto đánh bại Honda no Moroshige, chiến binh nổi bật nhất trong gia tộc Musashi.

Tuy nhiên, có rất ít thông tin về Tomoe Gozen sau trận chiến này. Một số người kể rằng cô đã ở lại và kiên cường chiến đấu đến chết. Số khác lại nói cô cưỡi ngựa rời đi, mang theo thủ cấp của Moroshige. Dù Tomoe Gozen chưa từng được bắt gặp sau trận chiến, vài người cho biết cô đã kết hôn với một samurai và trở thành nữ tu sau khi chồng qua đời.

Tomoe Gozen (giữa) trong bức tranh mô tả trận Awazu. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tomoe Gozen (giữa) trong bức tranh mô tả trận Awazu. Ảnh: Wikimedia Commons.

Trong nhiều thế kỷ sau thời của Tomoe Gozen, các nữ samurai ngày càng phát triển mạnh mẽ. Họ chiếm một phần đáng kể trong hàng ngũ samurai, giúp bảo vệ làng mạc, đồng thời mở thêm trường học trên cả nước để đào tạo những cô gái trẻ về nghệ thuật chiến đấu và cách sử dụng naginata. Dù nhiều gia tộc cùng tồn tại khắp Nhật Bản, tất cả đều có lực lượng samurai và chào đón nữ giới gia nhập.

Năm 1868, xung đột nổ ra giữa gia tộc Tokugawa nắm quyền điều hành đất nước và triều đình, vốn chỉ đóng vai trò biểu tượng dưới chế độ Mạc phủ. Một nhóm nữ chiến binh đặc biệt có tên Joshitai được thành lập, do nữ samurai 21 tuổi Nakano Takeko dẫn dắt. Cô từng được dạy võ và sử dụng naginata thành thạo, đồng thời có học vấn cao.

Dưới sự lãnh đạo của Takeko, nhóm Joshitai đồng hành cùng các nam samurai tham gia trận Aizu, với nhiệm vụ bảo vệ phe Tokugawa. Họ đã chiến đấu quả cảm, giết được nhiều binh lính thuộc phe triều đình khi cận chiến.

Tuy nhiên, Takeko cuối cùng bị trúng một phát đạn vào ngực. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nữ samurai yêu cầu em gái, cũng là thành viên nhóm Joshitai, chặt đầu mình để kẻ thù không thể lấy làm chiến tích. Em gái Takeko chấp nhận làm theo và chôn thủ cấp của cô dưới gốc cây thông trong đền Aizo Bangemachi. Một đài tưởng niệm sau đó được xây dựng tại đây để tưởng nhớ Takeko.

Takeko được coi là nữ samurai vĩ đại cuối cùng và thời đại của họ cũng chấm dứt từ trận Aizu. Không lâu sau, chế độ Mạc phủ sụp đổ, quyền lãnh đạo thuộc về triều đình, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của các samurai. Tuy nhiên, dù không còn các nữ samurai, nữ giới vẫn tiếp tục tham gia những trận chiến sau này, bất chấp quan niệm truyền thống về giới tính.

Do phần còn lại của thế giới thường quan niệm rằng samurai là những người đàn ông to khỏe và phụ nữ Nhật thường dễ phục tùng, những trang sử hào hùng về nữ samurai dần bị lãng quên.

Ánh Ngọc (Theo ATI, History Hit)

[ad_2]