[ad_1]
TP HCMCác nhà máy bỏ ra hàng tỷ đồng để xét nghiệm, hỗ trợ điều trị F0, góp tiền lập khu thu dung ca bệnh trong khu công nghiệp để giữ an toàn sản xuất.
Sau một tháng sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) vẫn tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần cho hơn 800 công nhân bằng phương thức PCR mẫu gộp dù tất cả tiêm đủ 2 liều vaccine. Ông Trần Tiến Phát, Tổng giám đốc công ty nói tâm lý công nhân chưa quen việc sống chung với dịch, lo lắng khi gia đình có trẻ con chưa được tiêm vaccine nên nhà máy test định kỳ giúp lao động an tâm.
Mỗi lần lấy mẫu, Công ty Datalogic đều phát hiện F0, đến nay tỷ lệ ca nhiễm trên tổng số lao động khoảng 1,5%. Khi ghi nhận ca bệnh, y tế tại công ty tiến hành truy vết, khoanh vùng. Công nhân thuộc diện F1 đều phải xét nghiệm kiểm tra, trường hợp tiếp xúc trực tiếp được yêu cầu nghỉ ở nhà 3 ngày, sau đó test lại âm tính mới tiếp tục đến xưởng sản xuất.
Ngoài tuân thủ nghiêm ngặt 5K, lắp tấm chắn giữa các vị trí làm việc, lập phòng cách ly tạm tại nhà máy, Datalogic Việt Nam còn cấp cho mỗi công nhân 2 bộ kit test nhanh tại nhà. Người lao động cảm thấy mệt, có biểu hiện nghi ngờ sẽ tự xét nghiệm, nếu dương tính báo về công ty khoanh vùng xử lý.
Mỗi tuần, riêng tiền xét nghiệm đã tiêu tốn của nhà máy hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra công ty còn hỗ trợ túi thuốc cho F0, kit test cho thân nhân người lao động để kiểm tra sức khỏe, trả ít nhất 70% lương cho những trường hợp phải nghỉ việc do liên quan Covid-19. Mỗi tháng doanh nghiệp ước chi hơn một tỷ đồng để phòng, chống dịch.
Tương tự, 5 xưởng sản xuất của Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam vẫn duy trì xét nghiệm cho 1.200 lao động với chi phí mỗi tháng hơn 250 triệu đồng. Đầu tuần, tất cả lao động được test nhanh. Các bộ phận thường tiếp xúc nhiều người như bảo vệ, thủ kho, nhà bếp… cách 3 ngày lấy mẫu kiểm tra. Phát hiện ca dương tính, nhà máy báo y tế địa phương, tiến hành truy vết, cách ly khu vực sản xuất. F1 phải cách ly tại nhà 3 ngày.
Theo ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc công ty, so với thời gian thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí xét nghiệm người lao động thấp hơn nhiều do giá bán bộ kit test giảm. Nhà máy sẽ duy trì kiểm tra sàng lọc Covid-19 cho người lao động đến cuối năm hoặc khi ca nhiễm ngoài cộng đồng giảm về hai con số. “Chi phí phòng, chống dịch có thể lên đến tiền tỷ nhưng nhà máy được giữ an toàn, người lao động an tâm”, ông Phú nói.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM (Hepza) cho biết sau một tháng thành phố dần “mở cửa”, 96% doanh nghiệp tại 17 khu công nghiệp, chế xuất đã sản xuất trở lại với trên 230.000 lao động. Số người đã tiêm đủ 2 liều vaccine và F0 khỏi bệnh là hơn 270.000 người, chiếm 94% lao động.
Theo ông Trực, quy định hiện không bắt buộc xét nghiệm người đã tiêm đủ liều vaccine nhưng các doanh nghiệp vẫn chủ động tầm soát định kỳ để kịp thời phát hiện ca nhiễm. Trung bình mỗi ngày các nhà máy thuộc Hepza quản lý phát hiện 50 ca F0, chiếm tỷ lệ 0,02% trong tổng số lao động đang làm việc. Tại Khu công nghệ cao, xét nghiệm sàng lọc đã giúp các nhà máy sớm tìm ra ca nhiễm. Trong tuần gần nhất, khu công nghệ cao ghi nhận 75 F0.
Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao Nguyễn Anh Thi nói thành phố đã chủ trương sống chung với dịch bệnh, các doanh nghiệp “mở cửa” hoạt động phải chấp nhận F0 xuất hiện. Người lao động đã tiêm đủ liều vaccine nên khi nhiễm bệnh không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, ít ảnh hưởng sức khỏe và kế hoạch sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên, nhiều công nhân ở các khu nhà trọ chật chội hoặc gia đình thêm người lớn tuổi, trẻ em chưa được tiêm vaccine nên có sự e ngại, lo lắng.
“Nhiều công nhân khi nhiễm bệnh vẫn muốn được cách ly tập trung dù không có triệu chứng”, ông Thi nói. Để hỗ trợ người lao động, chiều 5/11 cơ sở cách ly tập trung F0 không có triệu chứng ở Khu công nghệ cao quy mô 5.000 m2 đưa vào hoạt động. Cơ sở được trang bị giường cá nhân, quạt trần, máy chạy bộ, thảm yoga, máy giặt và wifi để người bệnh có tâm lý thoải mái và tiếp tục làm việc nếu có thể thực hiện từ xa.
Khu cách ly không thu bất kỳ khoản phí nào của người lao động do các nhà máy đóng góp 120.000 đồng tiền ăn mỗi ngày cho mỗi F0 đến điều trị. Chi phí lắp đặt, trang thiết bị ban đầu khoảng một tỷ đồng, ngoài ra kinh phí để duy trì trong ít nhất 6 tháng tới gần 8 tỷ đồng đều do các doanh nghiệp đóng góp.
Tại Khu chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức), cơ sở điều trị Covid-19 quy mô 250 giường cũng hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị chuẩn bị vận hành. Một cơ sở quy mô 250-300 giường nằm ở Khu công nghiệp Đông Nam (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) đã được chủ đầu tư khu công nghiệp này thống nhất thành lập.
Ông Trực cho hay Hepza đang tiếp tục rà soát các khu công nghiệp khác, nếu đủ điều kiện sẽ tham mưu UBND thành phố lập cơ sở điều trị Covid-19. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động xử lý, điều trị khi phát hiện ca nhiễm, duy trì chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy đơn hàng.
Theo phương án phòng chống Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được Sở Y tế TP HCM ban hành ngày 1/11, người lao động phải tuân thủ nguyên tắc 5K và giữ khoảng cách tối thiểu một mét khi làm việc; đã tiêm ít nhất một mũi vaccine hoặc khỏi Covid-19… Khi phát hiện F0, nhà máy chỉ phải ngừng bộ phận liên quan thay vì dừng tất cả hoạt động như trước.
Lê Tuyết
[ad_2]