Mỹ áp đảo danh sách công ty vốn hóa lớn nhất toàn cầu

[ad_1]

Trong khi ​​hàng loạt doanh nghiệp Mỹ tăng vốn hóa năm nay, giá trị các công ty Trung Quốc lại giảm sút.

Theo phân tích mới nhất của Nikkei từ dữ liệu của QUICK FactSet, toàn cầu có 171 tập đoàn có vốn hóa trên 10.000 tỷ yen (88,3 tỷ USD). Danh sách này tăng khoảng 20% so với cuối năm ngoái.

Sức tăng chủ yếu đến từ phương Tây. Riêng Mỹ có thêm 23 đại diện vào danh sách, tăng 30%, lên 96 tập đoàn.

Trong khi đó, chỉ còn 17 doanh nghiệp Trung Quốc góp mặt, giảm 20% so với năm ngoái. Nhiều công ty nổi tiếng của nước này đã không còn trong danh sách, như gã khổng lồ điện thoại thông minh Xiaomi và nhà cung cấp công cụ tìm kiếm Baidu. Sự thay đổi được cho là có liên quan trực tiếp đến chiến dịch siết quản lý doanh nghiệp ngành công nghệ của chính phủ Trung Quốc.

Phía bên kia Thái Bình Dương lại đang chứng kiến cơn sốt cổ phiếu công nghệ. Công ty dữ liệu lớn Snowflake có giá trị thị trường tăng 38% so với cuối 2020. Vốn hóa nền tảng đặt phòng AirBnB tăng 33% kể từ IPO cuối năm ngoái. Không chỉ có ngành công nghệ thông tin, Intuitive Surgery – công ty phát triển robot hỗ trợ phẫu thuật, ghi nhận vốn hóa tăng 30% so với năm ngoái.

Nhờ cơn sốt chip, doanh nghiệp bán dẫn như Applied Materials và Lam Research đã trở thành thành viên mới của câu lạc bộ vốn hóa lớn nhất. Trong khi đó, đại dịch cũng đưa Moderna và chuỗi hiệu thuốc CVS vào nhóm này.

Ít nhất một công ty khởi nghiệp của Mỹ cũng hưởng lợi từ dòng vốn của chính sách nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang. Hãng xe điện Rivian Automotive đã đạt vốn hóa tương đương 10.000 tỷ yên trong hai phiên sau khi niêm yết trên sàn Nasdaq tháng trước. Dù Rivian giành được đơn đặt hàng từ Amazon để sản xuất xe điện thương mại, việc định giá cổ phiếu của hãng dường như xuất phát nhiều hơn từ những kỳ vọng trong tương lai.

Pháp, Anh và Đức có 6-8 công ty trị giá hơn 10.000 tỷ yên. Schneider Electric (Pháp) hưởng lợi từ làn sóng chuyển đổi số và khử cacbon trên toàn cầu. Hãng rượu Diageo (Anh) chứng kiến vốn hóa tăng đến 41%.

Nhật Bản vẫn giữ nguyên với 5 tập đoàn có mặt trong danh sách. Việc định giá của các công ty Trung Quốc giảm đã làm tổn hại đến các công ty đầu tư vào thị trường này. SoftBank mất 43% giá trị thị trường so với năm ngoái, rơi khỏi bảng xếp hạng. Thế chỗ họ là tập đoàn nhân sự khổng lồ Recruit Holdings. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan đóng góp mỗi nền kinh tế một đại diện.

Phiên An (theo Nikkei)

[ad_2]